Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Hoài niệm


Lần này ra Hà Nội lòng ngơ ngẩn.

Những việc cần làm mà trong lòng đầy sự e ngại. Đối mặt với đau thương thật khó khăn biết bao.

Thế rồi kết cục là cứ nói huyên thuyên suốt buổi cho đến tận lúc về.

Đến đâu cũng vậy. Mới biết rằng khao khát làm điều gì đó để mong đợi bạn mình vơi bớt đau khổ khó lắm.
.........

Sáng sớm cuối tuần là ngày nghỉ, quãng 8 giờ sáng đến Viện đã từng công tác học tập nhiều năm trước.

Lòng luôn yêu mến không gian vắng lặng dù bất cứ nơi nào.
Sáng thứ bảy, tòa nhà uy nghi, tôn nghiêm kiến trúc Pháp yên tĩnh, cách biệt hẳn với đường phố ngoài tường rào kia vẫn người xe đông đúc.
Lá rụng đầy dưới gốc cây hoa đại cổ thụ trên lối đi cong cong vào tiền sảnh "Thánh đường" của Viện. Phía chính diện, những lẵng hoa "mừng ngày truyền thống 03 tháng 10 Viện..." đang tàn úa.
Bước vào trong "Thánh đường", cảm giác xưa nôn nao ùa về: Ngày đầu tiên ra công tác bước chân trên nền đá xám. Kia là cầu thang yên lặng hàng trăm năm qua biết bao người bước qua, bao nhiêu thứ ngôn ngữ đã được trao đổi theo từng bậc cầu thang này dẫn đến Phòng Khách tầng 2, Thư viện Tầng 3. Nhiều viên đá vỡ mẻ được vá lại ngay ngắn. Nhìn qua ô kính cầu thang ra sân sau thấy cây móng rồng cổ thụ vẫn thả từng cành rủ xuống như cành liễu. Vẫn những bông hoa xanh và hoa màu cốm cong cong như móng rồng.
Dưới kia, con đường nhựa phía sau lá vàng rụng đầy. Vài cây xà cừ cổ thụ đã được cưa bớt cành tránh bão.

Lên tầng 3, tầng quen thuộc nhất.
Thư viện là nơi hay vào một mình lục lọi đống sách cũ. Mình thường ngắm ảnh Bác Hồ treo trang trọng chính giữa đối diện cửa ra vào. Ngày ấy có lần hỏi thầy mình, giáo sư đầu ngành Vi sinh Y học Việt Nam: "Ở nơi nào em cũng thấy chân dung Bác Hồ cười vui, chỉ mỗi ở đây Bác không cười mà trông thoáng nét trầm tư". Thầy bảo: "Vì Bác chưa đi trọn con đường của mình, sự nghiệp còn dang dở". Mình nghĩ tới "sự nghiệp" của mình và thầm nghĩ: Các thầy của mình thật đúng là bậc cây đa cây đề. Trong lòng lấy làm tự hào lắm.
Trong thư viện còn 3 bức tượng đồng đúc tròn, dẹp hình của các nhà bác học Pasteur, Yersin, Calmet được xếp một góc mà không treo lên. Mình hiểu tại sao.

Kề thư viện về phía trái là nơi có phòng thí nghiệm kiểm định vắc xin dại xưa kia. Người cùng thời đã nghỉ hết, phòng kiểm định đã chuyển đi nơi khác từ lâu lắm rồi. Nơi đây có nhiều kỷ niệm lắm. Nghe thoảng như vọng lại đâu đó tiếng cười trong trẻo ngày nào thanh xuân. Tự nhiên trong ngực khe khẽ nhói đau.

Phòng 318 là phòng Phó Viện Trưởng, người thầy đầu ngành đã dạy mình biết bao "pháp" sống ở đời bằng những câu ngắn ngủi, đôi khi là những câu chuyện như chỉ để kể cho vui. Thầy đi xa đã 7 năm rồi. Chắc thầy đã siêu thoát.

Bước đến phòng cuối cùng, có cầu thang gỗ cổ luôn sẫm tối. Phòng này có một anh đồng nghiệp thật tử tế đã làm rất lâu ở đây. Anh cũng ra đi trong chuyến đi khốc liệt khôn cùng. Cầu cho anh đã được hồi hướng nhiều phước báu để không còn vô định cô đơn của một phi nhân nghiệp chướng oan nghiệt.

Nhìn từ cuối cầu thang gỗ phía đầu tòa nhà bên này đến cuối tận hành lang cuối tòa nhà bên kia như một con đường sâu thẳm.
Một vài vệt nắng sáng ban mai hắt những tia sáng nhỏ trên nền hành lang im ắng từ mấy cái cửa sổ mở.

Lòng bồi hồi nghĩ ngày tuổi trẻ chân không dám bước mạnh mỗi khi đi trên hành lang dài hun hút mà lòng đầy sự tôn kính này.

Chẳng còn bao lâu, "Thánh đường" này sẽ lui vào dĩ vãng trong lòng. Ngay từ bây giờ, những khuôn mặt nơi đây đã hầu hết là xa lạ rồi.

Từ hành lang tầng 3 nhìn xuống phía sau tòa nhà, xưa kia là  khu vườn rậm rạp lá rụng đầy thảm cỏ ẩm ướt. Nay các khối nhà mới đã ken chặt, cách nhau là con đường đủ một làn xe hơi.

Chỉ mấy cây móng rồng xưa vẫn còn nguyên chỗ cũ.

Những ban công nhỏ xinh, cửa sổ cao vút, cửa lớn phòng thí nghiệm lúc nào cũng một màu sơn xám như trăm năm nay vẫn vậy. Thoáng như bóng thầy bước vào phòng họp. Xa cuối hành lang bóng blue trắng vừa xuống cầu thang  ấy...

Lại đã xuống tới tiền sảnh với hàng hàng cột uy nghi.
Kia rồi khung cửa xưa vẫn đón ánh sáng chan hòa.
Ngoài sân kia vẫn thảm cỏ xanh, mấy gốc hoa đại cổ thụ.
Mấy cây long não già đã được thay đi từ lâu.
Còn vài gốc cọ cao vút đầy thân lá tầm gửi.

Một thời thanh xuân
Một cuộc đời "nghiên cứu"

Như là phí hoài.


























































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét