Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Trở lại Ba Vì


Nhiều lần về Ba Vì, nhưng không biết đường nên cứ đi vòng quanh mấy con đường cũ, không thấy những vùng "nhà giàu" đã mọc lên tự khi nào quanh chân núi Ba Vì như lần này bạn đưa đi dọc đường qua hồ Hang Hùm, thăm hồ Tản Đà vào hồ Suối Hai, đi Đá Chông.
Cũng như những nơi khác của Tổ Quốc: Chẳng thấy nhà máy xí nghiệp, trường đại học hay bệnh viện, những thứ làm lay động tim óc mình đã mọc lên sừng sững mà chỉ thấy những biệt thự to nhỏ, tinh tế, thô thiển... vươn lên như nấm mùa xuân làm mình có cảm giác dân mình còn giàu có hơn cả những chủ nhân biệt thự nhà vườn châu Âu về mức độ tiền của. Nhìn những ngôi nhà to lớn bề thế ấy mình cứ tự hỏi mùa đông ẩm ướt lạnh lẽo lấy đâu ra năng lượng sưởi ấm? Nhà to như thế, khí hậu nóng ẩm thì xuống cấp nhanh lắm, ẩm mốc rêu phong tiền đâu mà tu bổ? Lại còn lau chùi dọn dẹp ...??? Những câu hỏi vẫn bỏ ngỏ.

Đầu tháng 9 ra Ba Vì vào lúc trời nhiều mây, đôi khi đổ mưa,  nên hiếm khi trong xanh như vẫn thấy vào tháng 9. Hồ Suối Hai khá rộng, xa xa núi Ba Vì thân yêu ẩn khuất trong mây mù làm mình liên tưởng đến những ngày đi học xa xưa ở một vùng núi châu Âu ngày cuối thu nhìn sang bên kia hồ Leman, dãy Mont Blanc mờ mịt... . Đi quanh một đoạn bờ hồ trong cảnh mây núi, hồ nước xám nhạt, trời đất phân cách bằng dải rừng cây ben kia hồ. Hoàn toàn yên lặng, bạn đưa mình đi là người ít lời nên lại càng yên lặng quá. Lất phất mưa rơi trên tóc, có lúc ẩm ướt cả tà váy. Bắt gặp cảnh chiếc thuyền bé nhỏ neo đậu bên chiếc cầu gỗ cũng bé tẹo có đôi ngỗng nằm nghỉ an lành. Cảnh vật yên ả giống như ở châu Âu rất phổ biến và thật quen thuộc. Có khác chăng đây là đôi ngỗng nuôi, còn hồ bên kia thì phải cả bầy ngỗng trời vịt trời, mòng nước... với biết bao loài chim không biết tên tự do bay lượn, đập cánh bơi ồn ào mà chẳng sợ sệt điều gì. Trong một thoáng bỗng bị lẫn lộn không biết mình đang ở đâu. Tĩnh trí lại, mới nghĩ: Giá như với một luật pháp khác, chính sánh khác, với những con người Việt chăm chỉ, khéo léo... xung quanh nơi đây sẽ đẹp hơn cả hồ Balaton, hơn cả hồ Leman ... Chắc chắn Ba Vì còn nhiều loài chim quí, thú quí, hoa quí của vùng nhiệt đới miền núi. Nắng ấm chan hòa và lượng mưa nhiệt đới hẳn sẽ làm cho kỳ hoa dị thảo tự nhiên và được vun trồng sẽ kỳ diệu hơn rất nhiều những nơi tươi đẹp bên kia mình từng qua.

Có lẽ điều làm mình ấm lòng nhất là sườn đồi bạch đàn bên hồ Hang Hùm là nơi cắm trại hè 26 tháng 3 1977  hồi lớp 10 nay đã trồng vạt thông ba lá đã lên xanh rì in bóng hiền hòa xuống mặt hồ lặng lẽ.

Lần này về Ba Vì, ngắm nhìn bâng khuâng hồ Hang Hùm, rưng rưng trong cơn mưa ào ạt lúc đến hồ Tản Đà, ngây ngất trước cảnh sơn thủy của núi Ba Vì và hồ Suối Hai lòng nghĩ đến thần Thủy Tinh. Nghĩ Thần vì mệnh Trời trao cho Thủy quyền có phần dữ dội nên Vua Hùng đã dẫn sính lễ cho con gái Mị Nương những sản vật chỉ có trên mặt đất, vì thần Thủy Tinh đã đến muộn hơn và mất Mị Nương. Xét ra nếu thần Thủy Tinh mang nỗi buồn hận, rút nước ra hết biển Đông thì đâu còn hồ Hang Hùm, hồ Tản Đà, hồ Suối Hai mênh mang nữa không?

Chắc hai Thần đã làm lành với nhau từ xa xưa rồi, chắc vì lòng yêu thương Mị Nương hay thương dân tình lam lũ mà Thủy Tinh đã không nỡ bỏ đi để cho con cháu thần Sơn Tinh và Mị Nương phải chịu cảnh hạn hán mất mùa, đói kém... Có lẽ vì thần Thủy Tinh thật ra là một vị thần vĩ đại và đáng kính nên Ba Vì vẫn xanh tươi hùng vĩ như bây giờ chăng?

Nghĩ ngợi lẩn thẩn lại nghĩ đến ông bà ta xưa kia có những câu chuyện cổ tích thường kết thúc chỉ một chiều, rất rõ ràng, nhân quả. Cứ xấu thì bị thua, bị hủy diệt, tốt thì thành giàu có, lấy được hoàng tử, công chúa lên làm vua... mà không thấy xấu hóa giải cải biến thành tốt đẹp để kết thúc có hậu. Cuộc sống không độc đoán và nghiệt ngã như vậy.

Nghĩ đến vua lại nghĩ đến Lệ Chi Viên, rồi lại nhớ đến Côn Sơn, Chí Linh, nhớ đến Nguyễn Trãi.

Rồi lại nghĩ đến vua tập thể và Thủy điện, lũ về... nghĩ đến không phải thần Thủy Tinh làm trôi nhà trôi cửa trôi người ... mà chính là con cháu chắt của các Vua Hùng dù chẳng cần tới sính lễ "voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao" vẫn lấy nước của Thủy Tinh làm điện với bất cứ giá nào để tậu sừng tê, ngà voi tận châu Phi xa xôi ... Ông bà nói không phải điều gì cũng là chí lý.

Hồ Hang Hùm


Hồ Tản Đà

Hồ Suối Hai




-------------

Annecy tháng 10-2001 WHO course








Thầy giáo và bạn thân - John Clemens

Lausanne 9/2001 -2/2002

Lausanne, Hồ Leman,  Morges, 11-2001

Lausanne, hồ Leman 10/2001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét