Cầu Trà Khúc |
Thưa bác, lâu lắm rồi con chưa biên thơ thăm bác, con mong bác vẫn được an lành mạnh khỏe. Mà chắc chắn là vậy rồi, bác tuổi cũng chỉ thua ba con ít thôi, cũng dáng dấp vừa phải, không béo, lại ở nơi mà kiều kiện y tế, phúc lợi xã hội rất tốt cho những người làm việc cần mẫn chăm chỉ cả đời như bác thì phải là tốt rồi.
Quê nhà dạo này việc biển đảo không nguôi sôi sục. Bà con vẫn bị người Tàu cướp thuyền, chiếm ngư cụ, bắt giữ đòi tiền chuộc như bọn cướp biển mà lại do chính phủ họ bảo làm vậy. Ở đảo Lý Sơn thì vụ mùa hành tỏi chẳng còn bao nhiêu. Bao nhiêu năm "vắt mũi bỏ miệng" - cào cát ven đảo làm luống trồng tỏi, trồng hành, loại đặc sản thơm ngon nổi tiếng nhất Việt Nam nay bờ đảo sụt lở, diện tích thu lại đã nhiều phần.
Bạn con là kỹ sư thiết kế tàu cá và tàu thủy hạng trung bình vừa mới ra Quảng Ngãi về. Do không biết rằng việc từ bờ ra đảo Lý Sơn muốn đi ngay cần phải thu xếp trước. Hơn 20 nghìn dân đảo mà chỉ có 2 chiếc tàu cũ kỹ. Số lượng trọng tải là khoảng 100 người và hàng hóa, nhưng hầu như lúc nào cũng lên tới 200. Một ngày chỉ có 1 chuyến, và ngày hôm sau mới trở về.
Vì cứ tưởng ra đến nơi là có tàu đi ngay, khảo sát xong là về sớm vì còn có kế hoạch khác. Anh ấy đã trở về mà không đợi để ra Lý Sơn được vì lịch trình kế hoạch tiếp theo ở Cty không thể hủy. Khủng hoảng kinh tế nên để có được một hợp đồng có công ăn việc làm cho ngót trăm anh chị em kỹ sư, công nhân là khó khăn lắm mới có được.
Tỉnh nhà Quảng Ngãi từ năm ngoái đến nay thì trên Ba Tơ bị mắc một loại bệnh mà y tế nước nhà chưa biết là bệnh gì, cũng chưa nghe rằng có chuyên gia nước ngoài nào sẽ giúp tìm căn bệnh, đã chết hơn 20 đồng bào dân tộc rồi. Tháng rồi có thêm một người chết nữa.
Bác còn nhớ ông Tuân, ông trẻ của con không? Ông là đội viên du kích "đất anh hùng sinh du kích Ba Tơ" như bài "Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường" bất hủ của Trương Quang Lục đã ghi? Hồi bé, ông là quí tử "con nhà", được đi học trường Tây, ông đã được "giác ngộ" khi còn bé, nên đã rải truyền đơn chống Pháp. Lính bắt được và ông bị đuổi học. Tên ông bị gửi đến và cấm học ở mọi trường tiểu học trong tỉnh nhà. Sau này ông tham gia đội du kích Ba Tơ. Khi tập kết ra Bắc mà vợ con lại không được đi cùng nên ông đã ở lại quê nhà. Vì đã hoạt động công khai nên ông đã lộ. Cuối cùng ông thành nông dân làm ruộng vườn cho đến năm 1975.
Con từng về thăm ông Tuân bên xóm Bầu mà theo lời kể của ba con thì xóm quê nhà ta nên thơ như trong cổ tích. Cho đến khi không còn gặp đội trưởng đội du kích Ba Tơ nữa, con chưa từng được nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt ông. Gương mặt ông đẹp theo kiểu quan cách, nghiêm nghị...
Con nhắc ông Tuân vì nhớ đến sự kiện bệnh dịch hiểm nghèo đang hoành hành Ba Tơ của tỉnh nhà. Là bác sĩ mà con nghe về bệnh dịch ở quê chỉ biết nghe như kiểu ngồi nhìn trời mưa tầm tã ngày này qua ngày khác mà chả làm được gì.
Quê nhà ta còn có nhà máy lọc dầu Dung Quất mà chẳng biết ra sao, lúc thì vấn đề với cảng biển, khi thì trục trặc hệ thống máy móc, nay nghe nói đang dừng để sửa chữa hay sao đó...
Ngày trẻ khi về quê ba con thường kể những phong cảnh với giọng đầy tự hào bảy cảnh đẹp như Thiên Giới:
Thiên Bút phê vân
Thiên Ấn niêm hà
Thạch Bích tà dương
Cổ Lũy Cô Thôn
La Hà Thạch trận .......
Nói thật là con không nhớ hết và cũng chưa đi thăm đủ những cảnh đẹp này nhưng ngày mới về quê con còn nhớ rõ sao nó buồn đến thế.
Tết năm ấy, cái loa mắc trên cây dầu ở bến xe lam Cống Kiểu của thị xã từ sáng sớm đã nghe "em ơi mùa xuân đến rồi đó...". Suốt ngày này qua ngày khác cho đến hết tháng tết, đến nỗi bây giờ con chỉ thoáng nghe bài hát ấy là nổi gai ốc.
Mùa xuân quê nhà lần đầu tiên ấy xa lạ với con vì nhiều nỗi: Không hàng xóm, không bạn bè, không tiết xuân. Không có trời xuân với gió lạnh vờn trên má con đã vào tuổi trăng tròn. Con không thấy những cánh hoa đào màu hồng tươi sắc xuân hay những nụ chúm chím nửa nâu nửa hồng nép bên những lộc non chồi biếc. Con cũng không thấy mùi nhang bài thoang thoảng trong không gian vừa lạnh lại vừa lất phất mưa phùn... Chỉ thấy trời nắng trang trang như đổ lửa, mấy mẹ con con không có ba về ăn tết vì phải trực ở quân khu. Mẹ gói mấy món quà gửi về quê biếu bà Một, ông Tư... từ trước tết, vào tết nhà con chả có một ai trong họ từ quê ra thăm chúc tết, mẹ con ngồi thút thít khóc thầm đỏ mắt... Lại thêm cái tội chị em con đêm cuối năm mẹ đi làm nên ở nhà trông nồi bánh chưng luộc, ngủ quên chậm châm thêm nước, bị cháy hết một lớp bánh dưới đáy nồi. Mấy chị em lủi thủi quanh quẩn ở nhà ngó ra ngoài đường. Mùng 1 tết, người ta kiêng đến nhà, ngoài đường thì thưa thớt. Ở ngoài Bắc, lúc ấy con nhớ sau giao thừa tiếng chúc tết đã nghe râm ran, í ới khắp trong nhà ngoài ngõ...sáng mùng 1 tết sau khi ăn bánh chưng tụi con đã diện quần áo mới theo bạn đi chơi, đi đốt pháo từ lâu rồi...
Cho đến giờ, hình ảnh quê hương mình vẫn làm con buồn bã và hơi sợ nếu phải sống ở đó.
Quê hương là mảnh đất nơi mình sống hạnh phúc và nếu phải chết mình cũng tự nguyện hạnh phúc chết vì nó.
Con muốn viết thư cho bác, nhưng không rõ bác sẽ quan tâm điều gì. Thư gần nhất bác viết cho con rằng ước mong của bác, nơi vùng quê của dòng họ mình, con cháu phải nỗ lực hết sức, học hành giỏi giang, đỗ đạt... hầu mong rằng mảnh đất thờ tự ở quê thành "Đất Thánh".
Bác ạ, Đất Thánh, đầu tiên phải có Thánh xuất hiện nơi chốn ấy cơ.
Con cũng đã từng thấy ông Điềm họ nhà mình gần như Á Thánh. Cô Hoa, lá bác sĩ duy nhất trong những người con tài giỏi của ông Điềm, những người con trai mà ông đều bắt phải theo nghề giáo của ông. Ông, một người tài giỏi thời Tây cáo quan dạy học - thầy Hồ Văn Điềm nổi danh một thời đất Quảng, đến khi cuối đời mắc bệnh lẫn - Alzheimer, chỉ còn nhớ một việc: Mỗi khi ông trái tính, cô Hoa chỉ cần nhờ ông hàng xóm sang nói một câu: Mời bác Điềm mai đi họp chi bộ là ông liền ngoan ngoãn... Cô Hoa, cô gái duy nhất xin ông được "học ngành y để về phục vụ quê hương". Sau 6 năm ở nước ngoài về thẳng chiến trường Quảng Nam. Cô chịu bao nhiêu cuộc vây bắt, truy đuổi theo các lán thương binh bộ đội trong rừng vùng Trà Mi, Quế sơn..., bom đạn, chất độc da cam ... và sau này không có con được nữa. Cô là "cành vàng lá ngọc" trong họ nhà ta. Bây giờ cô và chồng đã nghỉ hưu vẫn ở trong căn hộ tập thể nhà nước cấp khi cô còn là phó giám đốc một bệnh viện lớn ở Đà Nẵng. Ba con nói rằng: Mỗi người trong dòng họ ra đi làm cách mạng ngày ấy như hầu hết những người thuộc tầng lớp ưu tú của xã hội lúc bấy giờ không ra đi vì mảnh đất, căn nhà. Nhà cửa ruộng vườn chả thiếu gì, chỉ thiếu là người dân của một đất nước Độc Lập Tự Do.
Hôm nay con viết thư này cho bác, con thấy cần phải nói với bác những điều này. "Ý thức hệ" là cái gì đó do con người đặt ra. Hôm nay viết vì con mới đọc một bài báo ghi lại lại nói của nhà văn Nhật Bản, tác giả của tiểu thuyết "Rừng Na-uy" mà con vô cùng yêu thích, ông Haruki Murakami viết rằng: "Khi vấn đề lãnh thổ không còn là vấn đề mang tính thực tiễn mà đã đi vào thế giới của 'tình cảm dân tộc chủ nghĩa', nó sẽ tạo ra một tình thế nguy hiểm không có lối thoát. Nó giống như một chai rượu rẻ tiền vậy. Rượu rẻ tiền sẽ khiến anh say chỉ sau vài ly và làm anh trở nên kích động. Nó khiến anh nói to hơn, hành động thô lỗ hơn... Nhưng sau khi say xỉn, anh sẽ chẳng thu được gì ngoại trừ cảm giác đau đầu kinh khủng. Chúng ta phải thận trọng với các chính trị gia và các nhân vật thích gây bút chiến, đang chuốc chúng ta uống những ly rượu rẻ tiền và làm thổi bùng lên cảm giác giận dữ của người say"
Cách nay hai, ba năm, khi ấy con không nghĩ về lãnh thổ, biển đảo của chúng ta mà con đã nghĩ rất nhiều về giá trị của gia đình, mà trước tiên là người mẹ (như con) và người con gái (như con gái con), rồi đến bầy đàn, lãnh thổ riêng con đã viết bài "Gia đình và Tổ Quốc". Cho đến nay, quan điểm của con vẫn không thay đổi. Tất cả những gì dẫn đến chia ly, chết chóc, chiến tranh đều là phi lý. Nói như ông Bộ trưởng quốc phòng của Anh khi ông rút bớt lực lượng Anh ở Afganistan về rằng "Tôi nản lòng khi thấy hàng chục người lính Anh chết ở Afganistan". Thế giới quá cần những ông Bộ trưởng bộ quốc phòng như thế.
Xét về một mặt nào đó, "Tái ông mất ngựa" không tiêu cực hoàn toàn. Chỉ những người trực tiếp ở trong thời điểm xấu ấy, chịu đựng điều tồi tệ ấy là hoàn toàn mang theo một phần hồi ức tệ hại suốt đời mình.
Có lẽ đây là một phần những gì con muốn nói với bác lúc này.
Viết những điều nặng nề to tát này thật là mệt nhọc
Viết những điều nặng nề to tát này thật là mệt nhọc
Con chúc bác mạnh khỏe.
Mùa thu nơi bác ở đã đến rồi nhỉ, con có thể cảm nhận mùi táo, nho, đào chín thơm ngát trong không gian. Trong vườn những hạt dẻ to đã rụng đầy gốc. Tiếng kêu reo vui của con chim cúc cu trên ngọn cây vân sam. Tiếng đàn quạ chí chóe trên đồng cỏ hay những cành cây sớm rụng lá trong thành phố và ngoại ô...
Con muốn đứng bên cửa sổ bên nhà bếp có dây thường xuân leo phủ kín một góc tường, uống một ly trà thảo mộc nóng có thêm một thìa nhỏ đường vàng thơm ngát mùi trái việt quất...
Lausanne 10/2001 |
--------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét