Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Vắc xin và một số tai biến vắc xin ở trẻ em Việt Nam

1992

Trong vài năm gần đây, đặc biệt trong 2 tuần qua có nhiều sự kiện hay tai biến và tử vong liên quan đến tiêm chủng vắc xin ở trẻ em Việt Nam khiến cả xã hội lo lắng, băn khoăn. Bài viết này nhằm cung cấp thêm một số thông tin về vắc xin và phản ứng vắc xin ở trẻ em Việt Nam gửi riêng cho Báo Lao động Đồng Nai. Bài đã đăng trên số 27 ra ngày 30/7/2013. Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả.


Vắc xin của người nghèo

Trên thế giới có 3 hãng lớn Sanofi Pasteur DMS, GlaxoSmithKline và Crucell sản xuất loại vắc xin 5 trong 1 hay 6 trong 1 (một liều vắc xin nhưng có thể phòng 5-6 loại bệnh như bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ, viêm gan B, hay bại liệt). Các hãng này cũng sản xuất vắc xin viêm gan B đơn giá (chỉ phòng bệnh viêm gan B).

Các nước phát triển không chọn Quinvaxem trong tiêm chủng. Vắc xin phòng nhiều bệnh tương tự Quinvaxem và nhiều bệnh hơn dùng ở các nước phát triển được điều chế tinh khiết hơn, tỷ lệ phản ứng bất lợi thấp hơn nhiều. Dù vậy khi tiêm lên đến hàng triệu người vẫn có ca hy hữu trẻ tử vong vì phản ứng ngay trên đất Mỹ.

Vắc xin Quinvaxem được sản xuất tại công ty Berna Biotech Korea Corporation hợp tác với tổng công ty Crucell NV- Thụy Sĩ. Có 4 trong 5 thành phần vắc xin Quinvaxem là nhập từ Crucell, chỉ có thành phần vắc xin ngừa viêm gan B là sản xuất tại Berna Biotech Korea Corporation. Đây cũng là nguồn vắc xin viêm gan B Việt Nam nhập về đóng ống vắc xin thành phẩm dùng trong tiêm chủng miễn phí cho trẻ em Việt Nam.

Quinvaxem là vắc xin phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ H.influenza (Hib) và viêm gan B. Quinvaxem đã được Tổ chức Y tế thế giới tuyển chọn trong chương trình tiêm chủng được tài trợ bởi Liên minh Toàn cầu vắc-xin và tiêm chủng dùng tiêm chủng cho trẻ em các nước châu Á và các nước nghèo bắt đầu từ năm 2006.

Có thể nói đây là một nguồn vắc xin giá trị có giá thành phù hợp với các nước nghèo, nhận nguồn vắc xin viện trợ, hàng trăm triệu trẻ em đã được dùng miễn phí phòng bệnh dịch.

Tuy nhiên, ngay sau khi mới bắt đầu tiêm năm 2006, trong vòng hơn hai năm, các nước đã báo cáo trẻ tử vong được cho là vắc xin Quinvaxem phải chịu trách nhiệm cho cái chết của ít nhất 5 trẻ em Sri Lanka , 8 trẻ  Bhutan, ít nhất 3 trẻ Pakistan, và gần đây hơn (1/2013), ít nhất 4 trẻ Ấn Độ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã nhiều lần nhận được khiếu nại của các nước về Quinvaxem. WHO cũng tiến hành các thủ tục điều tra... Cũng có loạt Quinvaxem có sự cố khi sản xuất năm 2010 mà WHO đã công bố. Hiện nay, WHO vẫn khuyến nghị tiêm hai loại vắc xin trên mà Việt Nam đang tiêm miễn phí.

Tính đến tháng 7- 2013, các phản ứng và tử vong của trẻ em Việt Nam có liên quan đến tiêm vắc xin mấy năm gần đây đã gần 20 cháu. Một thực tế là hầu hết các ca tử vong đều liên quan đến tiêm chích hai loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng quốc gia (miễn phí) là vắc xin 5 trong 1(phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ, bại liệt) – pentavalent Quinvaxemvắc xin phòng viêm gan B.

Hai loại vắc xin trên có cùng nguồn gốc thuộc công ty Berna Biotech Korea Corporation từ Hàn Quốc. Theo thông tin từ Bộ y tế đã công bố trên đài phát thanh và truyền hình thì từ tháng 6- 2010, Việt Nam đã nhập khẩu 16,2 triệu liều Quinvaxem, 15,2 triệu liều đã được phân phối. Số lượng trẻ tử vong liên quan đến Quinvaxem và vắc xin viêm gan B là gần 20 trẻ. WHO cũng đã cử chuyên gia đến Việt Nam để điều tra các cáo buộc phản ứng bất lợi của Quinvaxem. Lô Quinvaxem cũng đã được gửi đến Anh để kiểm tra.

GS.TS. Nguyễn Trần Hiển, chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng quốc gia cho rằng đây là vắc xin dành cho nước nghèo, còn có vắc xin phòng các bệnh tương tự như Quinva xem nhưng ít phản ứng hơn (trên nhiều triệu liều đã thống kê ở các nước giàu) như vắc xin 6 trong 1 của  hãng GSK, DMS nhưng giá thành cao.

Ứng phó khi tai biến

Những tai biến vắc xin đối với trẻ em Việt Nam trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân. Trong phạm vi bài viết này chỉ xin đề cập riêng về tai biến tử vong với hầu hết là 2 loại vắc xin Quinvaxem và viêm gan B.

Hiện các quan chức y tế Việt Nam hầu hết chưa chính thức thừa nhận một ca tử vong nào do vắc xin mà là do các bệnh phối hợp, hoặc không rõ nguyên nhân. Trong khi đó, chỉ cần thống kê các ca tử vong liên quan tới tiêm hai vắc xin chỉ xảy ra ở Quinvaxem và viêm gan B mà không xảy ra ở các ca tiêm chích khác thì có thể đặt câu hỏi: Chẳng lẽ các em tiêm các vắc xin khác không bao giờ bị bệnh gì sao?

Việc thừa nhận có thể trẻ tử vong có liên quan đến tiêm vắc xin trong một số ca trong hơn 2 năm qua từ khi tiêm Quinvaxem cho đến nay là có thể. Việc này dựa trên căn cứ trên thống kê dịch tễ học của các ca cụ thể ở Việt Nam, và các nước cũng tiêm và xảy ra tai biến như Việt Nam đã công bố.

Cho đến nay, trong thời gian đỉnh điểm của các sự kiện y tế nổi bật với người dân Việt Nam, việc tìm một câu trả lời thỏa đáng, tạm ổn trên các phương tiện thông tin đại chúng, hầu như là bất khả thi.

Như chúng ta đã thấy, các hiện tượng làng ung thư Phú Thọ; gần 20 nghìn trẻ xơ cơ delta – “chim xệ cánh”; bệnh lạ ở Ba Tơ Quảng Ngãi; gần hai trăm trẻ chết vì dịch chân tay miệng... mà chẳng có phát ngôn chính thức nào nói cho người  dân được biếr: Ai, cái gì, tại sao...

Trong một bài báo mà tôi đã đề cập “Bệnh tả: Cần người phát ngôn trước công chúng” đăng tải trên– Vietnamnet ngày 12-11-2007, thì cho đến nay đã 6 năm vẫn chưa thấy Bộ y tế có chuyển biến gì khác trong việc có phát ngôn chính thức với công chúng khi có sự kiện y tế nhiều người quan tâm xảy ra.

Nên chăng bộ y tế cần xem xét việc soạn thảo và áp dụng tài liệu hướng dẫn “Phản ứng vắc xin”, thành lập Ban “Chương trình bồi thường tai nạn thương tích Vắc xin Quốc gia )” đưa vào luật giúp các bác sĩ, cha mẹ, luật sư… có cơ sở xem xét, thực thi có lợi cho cộng đồng cũng như đặt trách nhiệm cụ thể lên các hãng sản xuất, phân phối vắc xin cho đến quan chức, nhân viên y tế và các ngành liên quan ở Việt Nam.

Chính phủ cũng nên đặt ra câu hỏi và trả lời về việc: Trẻ em Việt Nam nên được dùng vắc xin tốt nhất phòng ngừa các bệnh phổ biến ở Việt Nam không?



Hồ Thị Hồng Nhung 


Sapa - 2000

3 nhận xét:

  1. Bài viết của bác sỹ mặc dù chỉ để thể hiện quan điểm riêng của mình về loại vaccine này, nhưng nó hoàn toàn phù hợp với quan điểm chung của giới y học, đặc biệt là những bác sỹ chuyên nghành vi sinh y học như chúng tôi. Cách viết rất xúc tích , rất nhẹ nhàng, nhưng nó lại mang một thông điệp đủ mạnh để cảnh tỉnh những quan chức đang có trách nhiêm thực hiện, và điều hành chương trình này của bộ y tế, đặc biệt là bà bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
    Cái chết cùng một lúc của 3 trẻ sơ sinh tại bệnh viện huyện Hướng hóa, Quảng trị xảy ra trong cùng một ngày, sau khi tiêm loại vaccin phòng ngừa viêm gan B , có cùng một lot là bằng chứng xác thực nhất chứng minh rằng lot vaccine này có chứa chất gì đây có thể gây chết người? cụ thể là 3 em bé 1 ngày tuổi.
    Dư luận đang xôn xao về loại vaccine này, các bà mẹ thì hoang mang, không biết có nên cho con mình chích ngừa loại vaccine này không? Trong khi bộ y tế , mặc dù cũng đã làm một số động tác , nhưng chưa thật sự mang lại một điiều gì đó tốt đẹp hơn. Những tuyên bố của quan chức lãnh đạo bộ y tế còn quá chung chung chẳng hạn như : Shock phản vệ chưa rõ nguyên nhân dẫn đến tử vong, lời tuyên bố này nên dành cho những người ngoài ngành y phát biểu.
    Tiếp đó là việc bà bộ trưởng bộ y tế trong thời gian này đang có mặt tại tỉnh Quảng trị để viêng nghĩa trang liệt sỹ và khởi công công trình gì đó, đã không hề ghé thăm những gia đình gặp nạn , để chia sẻ những nỗi đau mất mát. mà nguyên nhân là do can thiệp y tế, Chẳng nhẽ lúc đó những công việc này lại quan trọng hơn một cuộc viếng thăm, thắp nén nhang an ủi linh hồn các bé?
    Cuối cùng chỉ có người dân là chịu thiệt, hậu quả là vô cùng nghiêm trọng, không những gây nên cái chết cho những thiên thần vô tội, gây nên nỗi đau cho các bậc phụ huynh, gây hoang mang trong cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của nghành y vốn bị chê trách nhiều trong những năm gần đây.
    Bộ y tế nên xem xét loại vaccine này một cách nghiêm túc, kiên quyết loại bỏ nó ra khỏi chương trình tiêm chủng cho trẻ, dù giá có rẻ, hiệu quả có cao, vì lương tâm của người thầy thốc xin quý vị quan chức của bộ y tế và bà bộ trưởng lưu ý cho. Xin đừng" tử hình" thêm một em bé nào nữa.
    Mong ước, nghành y tế Việt Nam sẽ luôn xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ "Người thầy thuốc như mẹ hiền".

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn vì những chia sẻ của bạn rất hữu ích. Nhưng cho mình hỏi có phải An Cung Ngưu

    Hoàng Hoàn Đồng Nhân Đường Bắc Kinh
    là thuốc cấp cứu tai biến tốt nhất phải không?

    Trả lờiXóa
  3. Câu bạn hỏi không thuộc lĩnh vực của mình nên mình không rõ bạn ạ.
    Tuy nhiên trong tour du lịch Bắc Kinh họ cũng đưa bọn mình qua "Đồng Nhân Đường" (mới). Người Việt du lịch mua rất nhiều và rất đắt. Mình có liên hệ lại vài người thì họ nói chẳng cải thiện gì.

    Trả lờiXóa