Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Quê nội của ba


Năm 1977, gia đình từ Bắc vào Nam, về quê ba, Quảng Ngãi.

Cũng năm mới vào ấy, chú Thuần, là con của ông chú, em ruột ông nội dắt về xóm Bầu, thôn Phước Toàn, xã Đức Hòa, Mộ Đức thăm quê của ba. Nhà bao nhiêu năm từ 77-87 chỉ có mấy mẹ con, ba vẫn làm việc ở Quân khu 5, Đà Nẵng và chiến trường Căm pu chia.

Làng quê trơ trụi, tiêu điều, hầu hết là những mái nhà tranh vách đất mới dựng.
Chẳng có một vệt ký ức nào về quê lần đầu và duy nhất 36 năm cho đến năm nay, năm 2014 về thăm quê ba vào dịp mùng 10 tháng giêng, ngày lễ Tế xuân họ Hồ Phước Toàn.

36 năm không về quê vì chỉ ở Quảng Ngãi 1 năm rồi đậu đại học đi học 6 năm, rồi ra làm việc, rồi lập gia đình với cơm áo gạo tiền quá đỗi thường tình mà lại là gánh nặng với một bác sĩ nữ làm quần quật ở phòng thí nghiệm lúi húi nghiên cứu không có một xu nào kinh phí, và có đồng lương ăn mày.

Năm nay, về thăm quê, nghĩ đi nghĩ lại quả đúng là "hội đủ nhân duyên". Quyết định được đưa ra như một sự đương nhiên. Nhà có mẹ và 3 chị em 2 gái 1 trai cùng về.
Mẹ và em trai từ nhà đi ra bằng tàu hỏa, mình và em gái từ Sài Gòn đáp máy bay ra Chu Lai. Mẹ và em trai ra trước đón ở sân bay về thẳng quê.

Trước khi về quê ông nội, đến thăm quê bà nội cách quê ông nội quãng 10 cây số.
Ngày xưa hay về quê bà nội chơi lắm. Cho đến nay, vườn nhà bà nội vẫn chẳng có rào dậu...

Bên ngoại của ba, quê bà nội là một gia đình họ Võ nhà nho ba đời, thời Tây con đi học tận Huế... nay con cháu đã lập nghiệp khắp nơi. Nhà cửa ông bà ở quê hương năm 77 về thăm chỉ là vùng đất trơ trụi vài bụi tre, vài cây chuối. Bà mới dựng nên cái lều tranh vách đất, xung quanh trồng ít dưa leo, đậu, cà...
Nay có ngôi nhà nhỏ dựng lại trên nền xưa. Một người mà ông cố nhận nuôi từ bé, vì nhà con lớn tham gia chống Tây, con trẻ sau này chống Mỹ, chẳng còn đứa con trai nào trong nhà. Ba bảo thời ấy những người có nhận thức đều theo cụ Hồ giải phóng dân tộc. Bà nội hỏi vợ cho ông con nuôi rồi cùng gia đình con nuôi sinh sống coi sóc phần mộ. Khi người vợ còn sống, gia đình trồng dâu nuôi tằm. Nay thì chỉ còn sống nhờ vào vườn và mấy sào ruộng. Chỉ còn cha và đứa con gái gầy gò mắc bệnh tim, cậu lớn cũng đã đi nghĩa vụ.
Thắp hương, khấn vái trên bàn thờ trong nhà xong xuôi, mọi người đi ra nghĩa địa bên sườn đồi khá xa thôn xóm quãng 5 cây số thăm ông bà, họ hàng đã quá vãng. Ông cậu đã mua một khoảng đất riêng trong ấy. Vùng đồi trọc khi xưa giờ cây tràm đã phủ kín, cao chừng 5, 6 mét. Mùa này khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tươi. Xe chạy đến tận nơi, một nghĩa địa qui hoạch ngăn nắp, nằm yên ắng giữa những vùng đồi cây thoai thoải.
Phần mộ của ông trẻ, liệt sĩ danh tiếng mà chính quyền địa phương đã tôn vinh bị lính Ngô Đình Diệm thủ tiêu mất xác được xây trang trọng. Đứng trước mộ ông thấy nao lòng, nhiều cảm xúc, nhiều suy nghĩ mông lung buồn bã

Tháng Giêng lễ tảo mộ cũng thật là thuận lẽ. Không khí đất trời cây cối tràn nhựa sống. Dương khí thịnh nên ngay trên khu vực âm thịnh cũng không quá âm u.

Hương khói, khấn vái xong, từ từ lên đường đi tiếp

Dọc con đường quốc lộ 1 về Mộ Đức, hai bên đường những cánh đồng làng mạc xanh thẳm, những đàn có trắng thấp thoáng trên ruộng lúa mướt xanh mát mắt và êm ả. Đất nước của con người cần cù, tần tảo, thông minh không có chiến tranh, ít hơn những đầu óc tham tàn thì đâu nên nỗi bao nhiêu năm đói rét bần hàn. Lẽ ra trong lòng nên vui hơn bội phần thì lại không xua đi nổi nỗi buồn, sự ảm đạm về bức tranh chính trị xã hội đương thời và vài năm tháng tới...

Phía tây đường quốc lộ đã hiện ra con đường đi vào. Kia là cái đập nước trị thủy 300 năm của xã Đức Toàn nay đã được xây cầu và đập chắn kiên cố vững trãi. Lối nhỏ quanh quanh đi vào vườn nhà của ông nội sạch sẽ. Những hàng cau vươn thẳng tắp với những buồng cau chĩu quả xanh quả vàng. Những hàng rào dâm bụt, ti gôn đầy hoa. Thi thoảng những cây phượng quê hoa vàng, đỏ hay được dùng để cúng nở đây đó trong vườn. Rằm tháng giêng, nên những luống cải, rau diếp, đậu que mướt mà. Làng quê đẹp hơn cả mong đợi. Trong lòng tràn ngập một cảm giác biết ơn về sự may mắn rằng, quê hương nay đã khác xưa, chưa ăn ngon mặc đẹp nhưng chắc chắn là đã có ăn no mặc ấm.

Năm nay về quê nội, có phần thuận tiện. Chỉ một nỗi trong lòng dấu buồn vì ba không còn tự đi ra được. Đây là quê hương, gia đình ba mong được thấy cảnh con cháu, họ hàng hội ngộ cùng về thắp nén hương dâng ông bà ngày Lễ Tế Xuân truyền thống hàng năm, nơi ba thường hồi tưởng kể say xưa...  Mình cũng thường nghe, nhưng không tỏ ra thích thú gì vì ấn tượng lần đầu về thăm ngày mới về miền Nam.

Viết về quê nội, nhiều chuyện, nhiều chi tiết về nhà ông nội với nhà lớn, nhà ngang, giếng nước luôn đầy và trong vắt mát lạnh, có hai cây đào, cây mận cạnh giếng và cạnh cổng. Bác họ còn kể con đường trước nhà ông nội là con đường cho các cậu ấm họ Hồ đua ngựa khi xưa, con sông đào có cái đập chắn, ngày xưa mùa nước lụt là các cô các bà xuống thuyền đánh bài cho qua mùa lũ... Về ông bà xưa nuôi ăn ở hàng mấy trăm xuất đinh đào sông cấp nước, trị thủy nên họ Hồ được vua ban dùng nước đời đời mà không phải đóng thuế...

Lễ tế xuân năm nay họ hàng con cháu khắp nơi về đông đủ, làng mạc xanh tươi, thanh bình ba lại không về được. Không nói ra mà vướng bận trong lòng thành nỗi muốn viết bao điều cảm nhận mà
cứ gập ghềnh không viết nổi.

Chiều tà, mặt trời đỏ rực lặn xuống dãy núi Dàng phía tây. Hàng cau bên nhà thờ họ cao vút thẳng tắp in bóng trên nền trời hoàng hôn huy hoàng. Lòng nhói buốt bàng hoàng như lo lắng hoảng hốt một ngày mai gần sẽ hoang vắng hẳn trời chiều quê nội.

Chiến tranh đã lấy đi gần hết cuộc đời ba, từ thuở niên thiếu cho đến ngày nhập ngũ tòng quân.
Cả cuộc đời ba khao khát học, cho đến 80 tuổi vẫn ngủ mơ thấy được đi học tiếp những kiến thức mình mong muốn biết. Cả cuộc đời của niềm đam mê hiểu biết chỉ có được chút ít thời gian rảnh dỗi trong những cuốn sách để tìm, để học. Khi về hưu, từ chiến trường về ba mang theo về nhà cuốn "xác suất thông kê" bằng tiếng Anh.

Quê nội là hình ảnh buồn thương mất mát và những vô nghĩa của thân phận con người trong chiến tranh, trong những thử nghiệm ý tưởng của một số kẻ lãnh đạo...
Quê nội là hình ảnh của những thân phận không thể quyết định được đời mình, chìm nổi khốc liệt trên các chiến tuyến và sau hết là vô thường sau hơn 80 năm ngắn ngủi.









    
































2 nhận xét:

  1. Đẹp, kết nhất là con chim đậu trên nóc nhà thờ

    Trả lờiXóa
  2. Mình cũng 14 năm rồi chưa về quê nội, cũng chỉ vì con cái, vì nỗi lo cơm áo gạo tiền của một ông "giáo khổ trường làng"...Thế nhưng lòng vẫn quyết "ly hương chứ không ly Tổ"...

    Trả lờiXóa