Cuộc đời thật đan xen chằng chịt, nhiều "căn duyên" gặp trên đời khiến mình mỗi ngày thêm nhận ra Phật Pháp thật vô lượng.
Phần "Sắc" của "Nhà máy nước Sông Mây" mình "vãn cảnh" nguyên buổi sáng. Bữa cơm trưa đầm ấm đong đầy tình nghĩa của chủ nhân và gia đình, nhân viên, ngoài những món thông thường được gọi là cỗ ngon ra thì các món rau quả của khuôn viên gợi mình nhớ bữa cơm gia đình thời xa xưa ngoài Bắc, nhưng năm tem phiếu và tăng gia sản xuất: Rau dền, rau lụi... Hơn cả ngon là nơi mọi người ngồi nhìn ra xung quanh vườn tược, ngôi nhà Việt Nam 5 gian hai trái với sân gạch, bưởi cảnh (trong nam gọi là đào tiên). Xa xa là sườn đồi thoai thoải, thung lũng xanh rì uốn lượn hiền hòa.
Mình chả hiểu về làm ăn, kinh doanh sao có thể có cơ ngơi rộng lớn mà lại thân thiện đến thế. Nghe bà chủ Hà nói sơ qua câu chuyện "em về nơi này" thì có lẽ phần "Thần" của "Nhà máy nước Sông Mây" bắt đầu từ đây.
Mỗi bước chân đi trên vùng đất rộng lớn (nghe nói tới 13 héc-ta) ấy đều thấy bàn tay chăm sóc, có ánh mắt để ý tới thường xuyên. Mà sao lại không cơ chứ. Mình nhìn thấy bà chủ lần đầu đang đội nón, đi ủng cầm vòi nước phun xịt cọ rêu cùng người làm trên một trong những cái sân của các khu nhà rải rác như là "thiền xá" ấy. Sau này Hà có nói: "Chị thấy bàn chân trần của các vị chân tu đức cao đạo cả kinh hành nơi đây, đặt lên những viên gạch đá này, em hiểu Chư Thiên thích trú xứ như thế nào làm sao mình không gìn giữ cho sạch đẹp được ạ". Còn anh Việt Dũng thì chỉ nói "Trời cho".
Có những điều mình không muốn nói ra đây về "Thần" và "sắc" của "Nhà máy nước Sông Mây". Phần ấy thực là "Bất khả tư nghì" - "không thể nghĩ bàn", phần này mình thật may mắn có phước được chia sẻ. Cảm ơn "Nhà máy nước Sông Mây".
Đến chiều, chủ nhân là anh Việt Dũng cùng bạn bè ra nhà máy nước bên hồ nước trong xanh phẳng lặng.
Mình từng thăm nhà máy Dược của tập đoàn Dược phẩm Việt kiều, trước nắm công nghiệp Dược miền Nam trước 1975, nay về Biên Hòa đầu tư lại. Đã từng học ở các nhà máy Dược lớn của châu Âu, thấy tầm cỡ của Tập đoàn Dược phẩm ấy ở Biên Hòa to lớn và bài bản như thế nào. Nhưng lay động tâm và trí mình là phần còn lại "Nhà máy nước Sông Mây" ghép vào toàn cảnh khuôn viên mà Dũng Hà gọi tên là "Nhà máy nước Sông Mây".
Vài năm trước, mình từng đến Củ Chi thăm trại cá Koi của anh cũng tên Dũng hơn 10 héc-ta. Những con cá Koi giống giá hàng chục nghìn usd anh Dũng tự mình sang Nhật học và mua về, vùng đất ngập bên sông được anh Dũng cải tạo với hàng núi sức người sức của, đã có từng đàn cò trắng bay dập dờn... Cũng từng có duyên khởi từ tấm tình từ tâm linh, nhưng không thể so sánh điều lạ lùng nơi đây, nơi mà các nhà sư Myanmar, 8 trong 13 vị sư được công nhận là các vị Tam Tạng tới nơi này đã đặt tên cho khuôn viên là SANTAVASA, tiếng Pali tạm dịch nghĩa là TRÚ XỨ CỦA CÁC BẬC THIỆN TRÍ THỨC CÓ CHÍNH KIẾN.
Có lẽ "Phụng hiến", bài thơ của Bùi Giáng có thể thay lời nói lên cảm xúc trước con người cảnh vật, tâm lực của tôi với "Nhà máy nước Sông Mây".
2016/2/19
----
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét