Thứ Năm, 2 tháng 1, 2020

Chuột - trong mắt nhà khoa học



Chuột chia thành khoảng 35 họ. Mỗi họ có khoảng 350 loài. Xã hội chuột trong tự nhiên được tổ chức theo kiểu phân tán để tồn tại. Nhờ có chuột, hàng loạt loại thuốc đã ra đời để trị bệnh cho con người.
Người Việt Nam ta, ai cũng biết đến chuột! Là người làm công tác nghiên cứu y học, tôi xin chia sẻ cùng bạn đọc lời của một tác giả đã viết về chuột như sau: “Thêm một chút hiểu biết loài chuột thì cũng tốt cho tâm hồn và cũng tốt cho những ai tôn vinh loài chuột, và vì vậy chúng ta đang đọc đây... Loài chuột là những thứ khác với loài người”.

Dòng giống nhà chuột

Một chú chuột đang được bắt ra khỏi lồng để chuẩn bị thí nghiệm
Chuột là một thành viên của nhóm động vật thành công cao trong loài gặm nhấm (rodents), được xếp vào nhóm riêng (rodentia). Loài gặm nhấm là động vật có vú có số lượng, gồm nhiều giống hơn bất kỳ nhóm động vật có vú nào khác. Chúng thành công cao trong tiến hoá. Loài gặm nhấm chiếm gần một nửa số lượng của tất cả các động vật có vú. Để dễ hình dung, có một điều tra như thế này: Ở Bắc Mỹ có khoảng 250 triệu người sống, cũng ở đó có vào khoảng chục tỷ động vật gặm nhấm sinh sống, thậm chí có thể lên đến hàng ngàn tỷ con. Cũng tương tự về sự thật này trên khắp các lục địa. Chuột có thể sống bất kỳ chỗ nào được coi có một thể sinh thái, dù rất khắc nghiệt.
Chuột (rodentia) chia thành khoảng 35 họ (families), mỗi họ có khoảng 350 loài (genera). Trong những loài này có cả chuột nhắt (mice) và chuột cống (rat). Tổ tiên của chuột nhà là thành viên của họ Meridae (Meridae family). Họ Meridae chia thành 100 loài, là họ động vật có vú đông đảo nhất trái đất.

Con chuột nhắt trong nhà chúng ta có tên loài theo tiếng Latin là “Mus usculus”; “Mus” có nghĩa là “Mouse-chuột”, và “Musculus” có nghiã là “con nhuột nhỏ” ta gọi là “chuột nhắt”. Tiếng Anh, Mouse: con chuột; Mice: nhiều con chuột. Chuột có nhiều nhánh nữa mà chuột nhà và chuột thí nghiệm nằm trong số nhánh này. Họ hàng gần của chuột nhà và chuột thí nghiệm là chuột đất vàng (hamsters), chuột nhảy (girbils), chuột lang (Guinea pigs), sóc (chinchillas), chồn, chuột túi và nhiều loại gặm nhấm khác. Thỏ không thuộc loại gặm nhấm.

Xã hội chuột

Mẹ con bầy chuột nhắt trắng dùng thí nghiệm

Màu lông chuột hoang phổ biến có màu ghi xám ngoài tự nhiên, còn có màu đen, nâu, màu vàng. Chuột nuôi thuần dưỡng có khoảng 500 màu lông khác nhau. Chuột cảnh là những con chuột đã chọn lọc, không mang bệnh, chúng mong manh, khi ra ngoài chúng sẽ bị các con khác xung quanh như mèo, chim… bắt ngay.
Mắt của chuột không tinh lắm, nhưng chúng rất nhạy với mùi. Ban ngày chuột cũng rất lanh lợi, mặc dù chúng thường hoạt động về đêm, đó là chiến lược để sống sót. Ngay cả với chiến lược này thì hàng triệu con chuột vẫn là mồi của nhiều loài thú săn khác, trong lưới thức ăn tự nhiên, ngày cũng như đêm. Người ta cho rằng chuột không phân biệt được màu sắc mà chỉ có 2 màu đen và trắng.
Ria chuột thường dài và rất nhạy cảm với các rung động trong không khí. Vì thế chuột có thể phát hiện các thứ xung quanh nó. Một số lông cũng nhạy cảm với các rung động.
Tổ chức xã hội của chuột trong tự nhiên theo kiều nguyên tắc “phân tán” để tồn tại.
Với cách thức này hàng ngàn con chuột chia thành từng bầy, khi bị tấn công, chúng tản ra nhiều hướng, và con này sẽ là nạn nhân mà con kia sẽ thoát. Trong các bầy đàn này, là nhiều nhóm gia đình riêng của chuột, sẽ có một con đực hoặc một con cái đầu đàn với các con đực cái và các con con.
Con cái đẻ một năm nhiều lứa, nhiều con một lứa. Con đực có khả năng truyền giống với rất nhiều con cái trong một ngày. Khi số lượng bầy đông lên, những con đực trẻ sẽ đánh nhau và cùng các con cái chia bầy. Một bầy nhỏ mới bắt đầu.
Có một hệ thống tôn ti thứ bậc phân biệt giữa các gia đình và các nhóm chuột. Cách tổ chức này là sự thiết yếu giúp tạo nên thành công của nhóm trong thế giới động vật bao gồm cả loài người.

Vài dòng lịch sử về chuột nuôi



Chuột uống nước (Ảnh chụp tại Trại Chăn nuôi Suối Dầu Nha Trang)

Người ta không biết chắc chắn con người bắt đầu nuôi chuột thành vật cưng từ khi nào, nhưng hầu như mọi người đều tin rằng người Trung Quốc là những người đầu tiên nuôi chúng. Người ta thấy có những bản ghi chép về giống chuột đốm và chuột trắng ở Trung Quốc từ 1100 năm trước công nguyên. Chuột nhắt trắng cũng được các nhà viết sử thời Hy Lạp và La Mã nhắc đến.

Vào những năm 1700, đã có chuột nuôi, buôn bán làm vật cảnh ở Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Vào thời Nữ hoàng Anh Victorya, đã có giải thưởng cho chuột cảnh “fancy”. Năm 1895, Walter Maxey khởi xướng, người Anh sáng lập ra “Câu lạc bộ Chuột quốc gia”. Đến thế kỷ XX thì đã có rất nhiều con chuột cảnh có màu lông khác nhau do lai tạo đột biến.

Vào thời kỳ này, Học thuyết di truyền của Gregor Mendel người Hà Lan đã tác động mạnh lên giới khoa học, chuột nuôi đã được chọn là động vật thí nghiệm nghiên cứu di truyền. Năm 1902, chuột là động vật có vú đầu tiên dùng để chứng minh Định luật Mendel. Người ta cũng nhanh chóng nhận ra cần phải có dòng chuột nuôi thuần chủng để nghiên cứu.



Các chương trình lai tạo các giống chuột đã được thực hiện tạo ra các chủng chuột dùng trong các mô hình nghiên cứu khác nhau phục vụ các nghiên cứu sinh y học.

Một báo cáo năm 1915 của Haldane đã dẫn đến đặt vấn đề về bản đồ di truyền của chuột. Việc này tiến triển rất chậm cho đến mãi 50 năm sau. Những năm đầu thập niên 1980, nhiễm sắc thể chuột được đưa ra với bản đồ của 7 nhiễm sắc thể 45 loci.
Đột phá lớn nhất trong bản đồ gene chuột là triển khai kỹ thuật tái tổ hợp DNA và trình tự DNA biểu hiện kiểu hình trong các phòng thí nghiệm.

Khi dự án giải trình tự nhiễm sắc thể người được tiến hành vào năm 1990 thì cùng lúc nhiễm sắc thể của 5 loài trong đó có chuột cũng được thực hiện.

Chuột trong khoa học
Hình ảnh giống chuột nổi tiếng
"Black 6" hay C57BL/6J
dùng giải mã nhiễm sắc thể chuột


Hình ảnh giống chuột nổi tiếng "Black 6" hay C57BL/6J dùng giải mã nhiễm sắc thể chuột (Ảnh minh họa)

2 loại nhiều nhất dùng thí nghiệm là chuột nhắt (mice) và chuột cống (rat).

Từ 2 loài thuần chủng này, người ta tạo ra hàng ngàn chủng chuột khác nhau tuỳ theo mục đích thí nghiệm. Phân loại theo tính năng, chia ra 2 loại chuột thí nghiệm: chuột thuần chủng và chuột biến đổi gene.

Chuột thuần chủng là các loại chuột dùng cho các kiểm nghiệm an toàn thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm, cung cấp các nguồn tế bào phôi, tế bào gốc, cung cấp tế bào lai, sản xuất các chế phẩm sinh y học, nghiên cứu hoá chất gây ung thư… hay trong giảng dạy.

Chuột chuyển gene dùng để nghiên cứu cơ bản: gene, làm mô hình nghiên cứu các bệnh tật nan y. Một số hướng nghiên cứu hiện nay thí nghiệm trên các chủng chuột chuyển gene là: Hội chứng Down dùng dòng chuột - Ts65Dn; bệnh xơ cứng Cystic Fibrosis (CF) – dùng chuột The Cftr knockout ; ung thư: p53 knockout; tăng nhãn áp gây mù (Glaucoma): DBA/2J; tiểu đường týp 1 bệnh tự miễn; tiểu đường týp 2 do rối loạn chuyển hoá sau 40 tuổi; bệnh động kinh ở trẻ em; bệnh tim mạch; bệnh mất dinh dưỡng cơ; ung thư cổ tử cung; HIV-ADIS... cứ mỗi loại bệnh sẽ tương ứng một đến vài dòng chuột chuyển gene.

Chỉ riêng phòng thí nghiệm The Jackson thuộc Viện Nghiên cứu di truyền học Mỹ, đã có khoảng 2700 chủng chuột thí nghiệm, mỗi năm cung cấp tới 2 triệu con chuột đặc chủng cho các nhà khoa học trên thế giới.

Chuột thí nghiệm tại Việt Nam

Chuột nuôi thí nghiệm tại Viện Pasteur TP.HCM

Khu vực chăn nuôi chuột thí nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ học TW, Hà Nội là nơi đầu tiên tại Việt Nam chuẩn hoá động vật thí nghiệm phục vụ y tế, trong đó chủ yếu là chuột thuần chủng dùng kiểm nghiệm. Viện Pasteur TP.HCM, Viện Vaccine Nha Trang… cũng có các khu nuôi chuột thí nghiệm.

Xét về chuyên sâu và phục vụ nghiên cứu đặc biệt thì các trung tâm nuôi chuột thí nghiệm của Việt Nam còn rất xa mới có thể hội nhập cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dòng chuột và nhân sự.

Chuột thí nghiệm là một phần (cao cấp) trong toàn cảnh nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về sinh y học. Việc đầu tư người và của; định hướng chiến lược ngắn hạn và dài hơi trong nghiên cứu và ứng dụng dùng động vật thí nghiệm, hay chuột thí nghiệm cần các nhà chuyên môn và chuyên gia tư vấn tài giỏi. Họ cần có tầm nhìn, nguồn lực để triển khai một cách phù hợp, không lãng phí trong bối cảnh khoa học kỹ thuật hiện tại của nước nhà đỡ tụt hậu là rất khó.

Vị thế con chuột thí nghiệm tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cũng vậy...

Bài:TS. BS. Hồ Thị Hồng Nhung

https://vietnamnet.vn/khoahoc/2008/02/767838/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét