Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

Chùa Tây Phương

 




Gần 20 năm mới lại vãn cảnh chùa Tây Phương

Hình ảnh xưa còn trong tâm trí ngôi chùa ngự trên ngọn đồi yên ả với những nếp nhà nhỏ của nông thôn thời còn nghèo đã biến mất cả rồi
Đi đâu cũng có cảm giác tiêng tiếc, tuy cảnh nghèo của nông thôn ngày ấy nhưng đậm vẻ đẹp truyền thống ngăn nắp sạch sẽ của 20 năm về trước.
Lần này về thăm, ngôi chùa đẹp, lại được ca tụng qua bài thơ của tác giả nổi tiếng, đã không nhận ra quang cảnh cũ còn in trong trí nhớ của đợt thăm trước
Chả hiểu sao chùa ngoài ấy không có mấy người làm công quả lau tượng, chăm sóc mọi ngóc ngách chùa... Những ngôi chùa cổ đẹp trầm mặc, tôn tượng trong chùa tràn đầy vè oai nghi tôn kính lúc nào cũng thấy có bụi. Khi chiêm bái tôn tượng lòng cứ thầm nghĩ nếu nhà mình ở gần đây 1 tháng mình sẽ xin lau tượng quét chùa một lần, mình sẽ tìm hiểu lau như thế nào sạch mà không làm hư hại lớp ngoài của tôn tượng, hoa văn... 
Chậm bước ngắm nhìn thần thái chư vị A la Hán nghĩ mông lung đến nghệ nhân xưa sáng tác ra các hình dáng, thần sắc của từng vị, vừa thoát tục, vừa thư thái, vui tươi. Chắc các nghệ nhân xưa cũng đã tinh thông nghề nghiệp tầng cao như các nhà sư tu đắc Alahan 

Xóm làng nay đã trù phú hơn xưa. Nhiều nhà cao cửa rộng bề thế. Mình lại nghĩ sao phải quá cao quá to như thế thì mùa đông khó mà sưởi ấm cả tòa nhà. Ngoài ấy gió mùa đông bắc buốt lạnh ù ù từng cơn. Mùa mưa bão gió giật tốc mái xô đổ cả cây cổ thụ... To lớn và nghênh ngang như thế chỉ để thỏa no mắt nhìn người chủ đang sống. Khi trăm tuổi bao chuyện thừa kế... Nông thôn lúc nào cũng bị đè nặng trăm chuyện, đất lề quê thói...
Ngày xưa thăm chưa biết thấy ra cái "thần" của chư Alahan, nay tư lự chiêm bái chư vị lòng đầy bái phục, nguyện với lòng luôn tự răn mình

Những bước chân chu du thiên hạ học rùng mình luôn an lành biết bao
Xin cảm ơn đời 









 












Quan Âm Thị Kính























----------------
Bài thơ

Các vị La Hán chùa Tây Phương

Chùa Tây Phương (Sơn Tây) có những pho tượng La Hán rất đẹp, rất sinh động, tạc vào thế kỷ 18. Nhà nghệ sĩ xưa đã vô tình hay hữu ý mượn đề tài chuyện Phật mà miêu tả xã hội đương thời, một xã hội quằn quại đau khổ trong nhiều biến động, và bế tắc không tìm được lối ra.

Các vị La Hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
Há chẳng phải đây là xứ Phật,
Mà sao ai nấy mặt đau thương?

Đây vị xương trần chân với tay
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
Tự bấy ngồi y cho đến nay.

Có vị mắt giương, mày nhíu xệch
Trán như nổi sóng biển luân hồi
Môi cong chua chát, tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.

Có vị chân tay co xếp lại
Tròn xoe tựa thể chiếc thai non
Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối
Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn...

Các vị ngồi đây trong lặng yên
Mà nghe giông bão nổ trăm miền
Như từ vực thẳm đời nhân loại
Bóng tối đùn ra trận gió đen.

Mỗi người một vẻ, mặt con người
Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời
Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã
Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.

Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.

Có thực trên đường tu đến Phật
Trần gian tìm cởi áo trầm luân
Bấy nhiêu quằn quại run lần chót
Các vị đau theo lòng chúng nhân?

Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu?
Sống lại cho tôi hỏi một câu:
Bác tạc bấy nhiêu hình khổ hạnh
Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau?

Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão
Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời
Là cha ông đó bằng xương máu
Đã khổ, không yên cả đứng ngồi.

Cha ông năm tháng đè lưng nặng
Những bạn đương thời của Nguyễn Du
Nung nấu tâm can, vò võ trán
Đau đời có cứu được đời đâu.

Đứt ruột cha ông trong cái thuở
Cuộc sống giậm chân hoài một chỗ
Bao nhiêu hi vọng thúc bên sườn
Héo tựa mầm non thiếu ánh dương.

Hoàng hôn thế kỷ phủ bao la
Sờ soạng cha ông tìm lối ra
Có phải thế mà trên mặt tượng
Nửa như khói ám, nửa sương tà.

Các vị La Hán chùa Tây Phương!
Hôm nay xã hội đã lên đường
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại
Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương.

Cha ông yêu mến thời xưa cũ
Trần trụi đau thương bỗng hoá gần!
Những bước mất đi trong thớ gỗ
Về đây, tươi vạn dặm đường xuân.


27-12-1960

Chùa Tây Phương nằm tại huyện Thạch Thất, trước năm 1965 thuộc tỉnh Sơn Tây cũ, qua thời gian được nhập vào các tỉnh Hà Tây, Hà Sơn Bình, và thuộc Hà Nội từ năm 2008.

Bài thơ này được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 12 giai đoạn 1990-2006.

Nguồn: Huy Cận, Bài thơ cuộc đời, NXB Văn học, 1963

------------

2 nhận xét:

  1. cháu thích chùa Tây Phương, mấy pho tượng cổ bằng gỗ rất đẹp, ko màu mè hoa lá như nhiều ngôi chùa khác.

    Trả lờiXóa
  2. Chùa Tây Phương là báu vật quốc gia. Tôn tượng các vị La Hán là những kiệt tác đêu khắc của ông cha ta. Ta may mắn thụ hưởng tinh hoa của Tiên Tổ. Cô rất cảm động mỗi lần được đến chiêm bái chùa Tây Phương cháu ạ

    Trả lờiXóa