Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Cậu tôi




Anh Ngọc Diệu, khi còn học ở Tứ B2 Lê Khiết gọi là Lê Diêu, là bạn thân của tôi, người chứng kiến khí phách của liệt sĩ Võ Khắc Tuyến trước kẻ thù. Liệt sĩ Võ Khắc Tuyến là cựu học sinh Lê Khiết 1946-1952. Quê của liệt sĩ Tuyến là thôn Phú An chừ không phải thôn Nghĩa Lập như anh Ngọc Diêu nhớ lộn. Do lầm tên thôn nên trải qua hơn 25 năm anh Diêu mới tìm được thân nhân của người bạn liệt sĩ. Tháng 8/2002 anh Diêu tìm được người anh ruột của liệt sĩ Tuyến tại thị xã Quảng Ngãi, đại tá Võ Khắc Kế, cựu chiến binh, nguyên Tham Mưu Trưởng sư đoàn 308 danh tiếng năm xưa. Anh Ngọc Diêu tặng đại tá Võ Khắc Kế tập văn của Hội Cựu tù chính trị Mộ Đức dưới chế độ cũ, trong đó có bài viết " Người bạn" của anh Ngọc Diêu kể về những giờ phút cuối cùng của liệt sĩ Võ Khắc Tuyến.


Thời niên thiếu tôi sống chủ yếu bên ngoại. Liệt sĩ Võ Khắc Tuyến là cậu ruột và cũng là người bạn gần gũi nhất của tôi. Hai cậu cháu cùng một tuổi, học cùng lớp từ nhỏ cho đến năm 1950, tôi tòng quân rời trường Lê Khiết.

Từ nhà qua trường lê Khiết, mùa mưa chúng tôi qua sông Thoa nhờ đập Bến Thóc, nước to đập lở thì có đò chị Điệp, mùa cạn sông Thoa có thể lội qua. Bây giờ, Đập Bến Thóc, Đò Chị Điệp, Cậu Tuyến đã trở thành cổ tích, chỉ còn lại lũy tre bên bờ An Ba vẫn rì rầm kể chuyện xưa cùng gió.

Tôi có bốn cậu ruột, lớn nhất là cậu Kế, sau cậu Kế là cậu Võ Khắc Thuần, đội viên du kích Ba Tơ, sau 1945 là Đại Đội phó Đại Đội cảm tử.

Cậu Tuyến là em kề cậu Thuần, em kề cậu Tuyến là cậu Võ Khắc Dục, thanh niên xung phong hỏa tuyến. Năm 1954 tôi và ba cậu của mình tập kết ra Bắc. Ông bà ngoại tôi đã già yếu, hai anh và  một em đã đi rồi nên cậu Tuyến cần ở lại nuôi ông bà, cậu chỉ là một học sinh chưa có hoạt động gì để địch chú ý.

Cậu Tuyến vốnquá đỗi hiền lành, ít nói, chưa bao giờ gây gổ với ai. Bà con và bạn bè bất ngờ, bàng hoàng trước hành động của cậu Tuyến, nhưng riêng tôi, tôi hiểu...

Thôn Phú An, quê của liệt sĩ Võ Khắc Tuyến, nằm bên bờ Bắc con sống Thoa, bờ bên kia là An Ba. Tên xa xưa của Phú An là xóm Bồ Sa. Bồ Sa chắc là từ tiếng Bầu Sa nói chệch đi mà thành.

Hai tiếng Bầu Sa gợi cho tôi hình ảnh xóm nhỏ hiền hòa, vườn trưa bóng rợp, ngàn dâu xanh ngắt, bến bãi con đó, sông nước mênh mộng, đêm trăng vằng vặc ... và những con người nhân hậu, ngay thẳng như chú Hai, chị Ba, thầy Lê Tảo... trong "Quê nội" của nhà văn Võ Quảng.

Soi Lùm, vết hoang sơ còn sót lại chứa những câu chuyện yêu ma bí ẩn. Con đường mòn len lỏi giữa bãi cỏ xanh lấm tấm hoa vàng. Hoa ngũ sắc nhiều màu rực rỡ ở bờ bụi. Mùa thu vàng hoa xương rồng, quả duối chín... Tất cả làm nên tâm hồn cậu cháu tôi từ lúc còn thơ.

Nhưng lúc bấy giờ thì còn đâu nữa xóm nhỏ hiền hòa.
Đó đây phủ màu tang tóc. Một bọn mới đây vốn là con hư, trò dốt hoặc là đàng điếm, du côn thì bây giờ là chủ...

Phía ngoại tôi là gia đình nho giáo lâu đời. Ông cao, ông cố, ông ngoại tôi, ba đời liên tiếp đỗ tú tài nhưng không ai ra làm quan. Ông ngoại tôi đậu tú tài vào khoa thi chữ nho cuối cùng năm Mậu Ngọ (1918).

Những đêm hè, một chiếc chõng tre kê giữa sân đầy trăng, ông tôi mình trần, quần trật mề lươn, tay phe phẩy chiếc quạt mo, khẽ nhẩm những câu vần đứt đoạn:

Mười năm công vỡ ruộng chưa ắt là danh nổi như phao
Một trận nghĩa đánh Tây, tuy là mất tiếng vang như mõ
...
Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ...
Não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng...

Lớp người Văn thân như ông ngoại tôi đã cách quá xa thế hệ chúng tôi. Lớp chúng tôi ảnh hưởng chủ yếu ở các cậu lớn, các cậu là thế hệ khởi đầu của cuộc cách mạng vô sản. Trong mảnh vườn cổ kính trầu cau chuối mít hiền hòa, hồi cao trào cách mạng 1930 đã có hai ông và hai cậu bị Pháp đưa đi đày ở Kon Tum và Ban Mê Thuột. Từ cách mạng 1945 đến 1975, tám người trong gia đình đã thoát ly, người còn lại trừ người già và trẻ nhỏ, hầu hết người khỏe mạnh đều hoạt động hợp pháp trong lòng địch, Một dì, một mợ, một cậu đã thành liệt sĩ, một dì, một chị là thương binh...

Tôi phác qua mấy nét bên ngoại, môi trường gia đình của liệt sĩ Võ Khắc Tuyến mong từ đó có thể hiểu được phần nào tính cách không khoan nhượng của liệt sĩ Tuyến trước kẻ thù.

Bạn nào ở Tứ B2 1950 hoặc sau là lớp 8 lớp 9 muốn thăm anh thì đến nhà bia tại nghĩa trang liệt sĩ Đức Hiệp, bên bờ bắc sông Thoa, phía tây chợ Vôm 500m. Xin đừng mang hương hoa gì cả vì chỉ có tên anh khắc trên tấm bia chung, không có mồ mả vi hài cốt của anh chưa biết ở đâu.

Hồ Văn Duyệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét