Lần này mới có đủ duyên lành viếng mộ Đại tướng và thăm ngôi nhà thuở sinh thời của cụ.
Trong lòng thầm nghĩ, biết bao danh nhân được biết trong đời với đầy lòng kính trọng, ngưỡng mộ cũng chỉ là trên sách vở. Có đâu may mắn được tận mắt viếng thăm.
Cách nay vài năm, khi đọc báo thấy người tình báo vĩ đại của Việt Nam là Phạm Xuân Ẩn bệnh nặng nằm ở viện 175 đã muốn đi thăm để được thấy ông. Cũng vì không làm ngay nên mấy hôm sau nghe tin ông mất. Buồn bực và tự trách mình lắm.
Trong cuộc đời, quả thật ai cũng muốn rất nhiều, muốn vật chất, muốn tinh thần - thỏa mãn cả thân và tâm. Nhưng rồi cứ cặm cụi với cơm áo gạo tiền. Lúc tưởng như sắp nhàn thân thì lại lo cho con cháu, một cách tự nhiên, bị thôi thúc bởi tình thương ruột thịt.
Lặn lội ra viếng mộ đại tướng sau đợt mưa bão chồng chất ở miền Trung. May sao siêu bão Haiyan đã đi qua mà không gây thiệt hại gì cho miền Trung. Không thể không thốt lên câu ơn Trời!
Đi tàu từ Sài Gòn ra Quảng Bình. Lâu lắm mới có dịp ngắm cảnh vật dài theo đất nước. Mừng vì hầu hết các vùng trơ trụi nắng lửa khi xưa ở Phan Rang, Phan Thiết đã có những bụi cây, cỏ xanh. Tính ra đã gần 40 năm sau chiến tranh rồi mà chỉ mong thấy có nhiều bụi cây cỏ mọc thì cũng nhỏ nhoi thật. Đúng ra còn có những căn nhà bé nhỏ đã chen chân trên mọi vùng hoang vắng khi xưa. Lòng chạnh nghĩ đến cơm ăn áo mặc, học hành của những gia đình ấy thật như chim trời, cá nước, như cây cỏ biết có đủ nước thì sống, cao lớn hay ra hoa kết trái được không lại là chuyện của ông Trời. Rồi con, cháu cũng lại lặn lội kiếm miếng ăn, chốn ở... như ngàn năm sinh -lão-bệnh-tử của chúng sinh.
Trên chuyến tàu, cùng khoang còn có hai ông cháu, ông nội đưa cháu gái 6 tuổi về quê nuôi ăn học cho đến lớn. Cô bé nhìn như người đàn bà bé nhỏ, dễ thương kiểu đôn hậu và ngoan ngoãn. Ông bà nội là giáo viên về hưu, sống ở quê Quảng Bình, con cháu đã đi làm ăn xa cả. Ông năm nay đã 68 tuổi. Mình có cảm giác băn khoăn, lờ mờ... ông bảo đưa cháu ra học đến hết cấp ba. Mình cứ bâng quơ xót con bé xinh xắn, thấy bố nó đưa nó lên tàu với ông trông có vẻ buồn... Lúc mới lên tàu nó bảo buồn nôn, mình hỏi chuyện trên trời dưới đất, con bé mải nói chuyện quên mất không nôn nữa. Nó mải chơi với con chim cánh cụt nhỏ bằng nắm tay, thỉnh thoảng lại gọi ba ơi ba ơi như thói quen. Ông bảo có ba đây đâu rồi nhìn cháu gái với cặp mắt có phần xa xôi... Con có em hai tuổi rồi. Ba con với mẹ con cắt đôi, nó lấy bàn tay bé nhỏ ra hiệu như cái dao cắt dọc từ trên xuống dưới, ba ở... mẹ ở... Cháu ngồi xuống đây nào. Ông nội nói chuyện lớp học mới của nó chỉ cách nhà trăm mét... Ở trong này muốn xin gần nhà mất hết gần chục triệu. Ông bà có nó ra vui lắm, lương ông bà hơn tám triệu, sống ở nông thôn cũng ổn. Mình nhường cho con bé giường nằm dưới, con bé không muốn ngủ một mình, ông phải nằm cạnh đến khi nó ngủ. Nửa đêm ông ra ngoài, con bé tỉnh dậy gọi ông ơi, thế là ông không ngủ riêng giường của mình được.
Từ Huế trở ra, nước vẫn lớn sau mưa bão lũ lụt. Dòng sông Hương đục ngầu, thành phố lặng yên dưới bầu trới xám nhạt âm u.
Dọc đường tàu chạy tới Quảng Bình thấy nhiều cây đổ gẫy ngang thân. Trong những vườn cao su quãng 10 tuổi có những vạt cây gẫy đổ chưa dọn, vườn cây keo, bờ tre có lẽ gió bão đã tuốt lá nên nhìn xơ xác bên ruộng đồng ngập nước hay những cồn cát xa xa.
Tàu đến ga Đồng Hới muộn giờ gần 2 tiếng, về khách sạn ăn uống tắm rửa xong là lên đường đi Quảng Trạch, Vũng Chùa.
Ghé chợ Đồng Hới bên sông Nhật Lệ mua hoa tươi viếng mộ đại tướng. Quảng Bình đã trồng được loại hoa quí là hoa lys thơm đủ màu nhưng còn đắt, ở Sài Gòn là 150k/1bó 5 cành, ở đây tới 200k. Nhưng thế là tốt quá rồi. Cận ngày 20 tháng 11 ngày nhà giáo nên chợ nhiều hoa đẹp.
Đường sá đi Quảng Trạch thuận tiện, hai bên quốc lộ là những cánh đồng một vụ. Mùa này cánh đồng trơ trụi ngập nước. Anh lái xe bảo bây giờ các cánh đồng đều cày bằng máy, và đang thử áp dụng gieo xạ - không phải làm mạ rồi nhổ lên cấy lúa như xưa. Đi dọc đường mấy anh em nói về thời chiến tranh, về tuổi thơ trong chiến tranh ác liệt. Mẹ vào Quảng Bình theo đơn vị của ba sinh mình ở Bố Trạch, mình chỉ ở có hai tuần rồi ra bắc về nhà bà ngoại. Mình kể về đội nữ pháo binh Ngư Thủy mà ba có thời gian huấn luyện.... mới nên chuyện thỉnh thoảng lại muốn đi Quảng Bình.
Chuyện giông dài rồi anh lái xe nói đến chuyện ngày xưa chỉ mong đến tết để có miếng thịt mà ăn, ngày thường cũng chỉ ăn khoai sắn thay cơm. Bây giờ mà bắt ăn thịt mỗi ngày thì khiếp. Nhà anh góp vào chiến tranh 2 người là ông ngoại bị bom và mẹ đang làm ở phân xưởng dược Đồng Hới.
Từ xa, nhìn chiếc cầu sông Gianh mờ mờ trong làn mưa phùn. Còn qua vài cây cầu nữa nhưng không nhớ tên. Chỉ nhớ có hai làng bên đường nhà của khang trang sầm uất, anh lái xe bảo một làng có "truyền thống" vượt biên sang Đức buôn thuốc lá, sang Anh trồng thuốc phiện, một làng chuyên dùng tàu đánh cá buôn hàng Trung Quốc cho cả tỉnh dùng. Thảo nào thấy có nhiều nhà cửa trông hoành tráng.
Rồi cũng thấy Đèo Ngang mây phủ lưng núi.
Từ quốc lộ 1 ngay chân dãy núi có Đèo Ngang rẽ phải theo con đường mà bây giờ dọc đường là các hàng hoa tươi bán cho khách viếng mộ đại tướng. Nhìn cảnh này cũng có thề thấy dân ta yêu thương đại tướng nên đến viếng nhiều lắm. Xe chạy một lát thấy một con đường nhỏ men theo chân dãy đồi thông non, đây là con đường mới mở vào nơi đặt mộ Đại tướng. Đến một ngã ba có tấm biển xanh chỉ đường và rẽ phải.
Chạy khoảng năm, bảy phút đã thấy Vũng Chùa và Hòn Yến, một biển xanh chỉ đường, rồi hiện ra sườn đồi thông non xanh rì yên lặng có lớp đất đá mới và một cái tháp chuông nhỏ mái uốn cong lưng chừng đồi kia rồi.
Nhìn thấy toàn cảnh nơi Đại tướng đã nằm yên nghỉ, lòng nhói lên, ngậm ngùi, ào ạt...
Người đàn bà bé bỏng |
Lũy Thầy, viện bảo tàng Đồng Hới |
Hào nước dưới chân lũy khi xưa |
Lặn lội thân cò... |
Mẹ Suốt |
Eo xèo mặt nước... |
Hoa dâng Đại Tướng |
Cầu sông Gianh |
Bãi Đá Nhảy, cây gãy sau bão |
Em thật tuyệt vời , tình cảm ấy dễ mấy ai nói nhưng thực hiện được / Chúc em khỏe nhé
Trả lờiXóaEm thấy anh lúc nào cũng tiền hô hậu ủng mà còn thời gian đâu nữa nhỉ :))
XóaBạn ở tận Sài gòn ra thăm mộ Đại Tướng, ta ở Huế thì chưa ra được
Trả lờiXóaĐốc tờ ơi, "muốn là có thế" mà
XóaBs này học ở Đại học y Huế, sau ta 3 khóa. Chúc em đẹp và trẻ mãi, giữ gìn màu áo blouse mãi trắng nghe em
Trả lờiXóaNếu Bs học trên H Nhung 3 khóa thì đúng là khóa mà em rất thần tượng. Các anh chị đều giỏi giang, "người lớn"... Bây giờ em có thể nói lời cảm ơn đề anh nói lại với các anh chị cùng khóa về cái buổi "Hân hoan đón chào các tân sinh viên 1978" nhé. Cho đến giờ em vẫn còn nhớ cảm xúc trân trong và cảm động về buổi văn nghệ ấy và giọng hát của BS. Hải Thủy. Cảm ơn các anh chị rất nhiều ạ.
Xóa