Thứ Năm, 4 tháng 6, 2009

Ba Vì xứ Đoài, Tản Viên xưa (3)


Hoa mua 

Tháng 6 dương lịch là lúc hoa sim và hoa mua bắt đầu nở rộ trên các vùng đồi Ba Vì. 

Những năm bé tí, con bé ấy bị những cành sim, mua với hoa, với quả hút lấy. Nó thuộc lòng từng bụi sim già, từng đám mua lá to có thể ngắt làm đồ chơi. 


Khi đã đi xa lắm, rồi sống ở phố phường, nơi nhà ống, biệt thự chen chúc, mới hiểu mình cần gì, muốn được ở đâu mỗi khi có dịp nhìn núi đồi thay áo mỗi mùa hè - thu - đông - xuân. 
Con bé như chiếc lông vũ trắng bay, ở đoạn cuối phim Forest Gum của Mỹ. Nó bay lững lờ suốt cuộc đời mà không thể định đoạt và hoạch định bất cứ điều gì. Một cơn gió nhẹ thoảng qua cũng đủ nhấc bổng nó bay đến một nơi nào đó ... 

Đồi sim vùng Nhân Lý, vào những năm sơ tán ấy thật đẹp. 
Chiều thứ bảy cuối tuần, chạy lon ton theo anh, cũng là một cậu bé từ trại trẻ Cá Trê về nhà mẹ ở Nhân Lý. 
Con đường đất ô tô chạy được, vòng vèo uốn lượn qua những sườn đồi, cánh đồng, hồ nước, rồi lại sườn đồi khoảng hai, hay ba cây số. 

Quãng đường tuổi thơ ấy nó thuộc lòng từng gốc cây, bụi rậm, hang rắn ven đồi. Nó nhớ nhất là những cái mả quét vôi màu trắng rải rác trên sườn đồi vì đấy là nỗi sợ hãi suốt những năm tháng ấy dù bất cứ sáng hay chiều, ngày hay đêm nó phải đi qua đó. 

Con bé cũng thuộc cả ruộng thì trồng lúa, cao hơn thì trồng lạc, khoai, chè. Trên đồi là bạch đàn. Nó biết cả màu lúa khi mới rải phân đạm xong thì màu xanh rì. Nó thuộc cả những cây phi lao bên đường có những cái kén lủng lẳng. Nó biết con bọ ngựa thích sống ở cây điền thanh. Mùa châu chấu vào hè trên đồi có những con to dài cả gang tay trẻ con nhìn thật dũng mãnh. 

Trại trẻ Bé có khóm lồ ô mà vùng ấy gọi lá cây u, cao thẳng tắp, không có gai, chúng nó thường tranh nhau nhặt những cái mo tre to không có những sợi lông rặm làm đồ chơi. 

Con bé em của nó mới 3 tuổi phải ở riêng "Trại trẻ Bé", không được ở cùng nó và cậu anh ở "Trại trẻ Lớn". 

Nếu như "Không gia đình" của Hector Malot là một bức tranh của một đứa bé không có bố mẹ thì ở trại trẻ ngày ấy cũng là một kiểu không gia đình có thời hạn. 

Trại trẻ Bé 

Trại trẻ nằm trên một vùng đồi rộng lớn, không xa xã Đường Lâm, Mía nổi tiếng bao xa, chắc khỏang 3, 4 cây số. 

Có lẽ vùng đất này trước kia thuộc gia đình giàu có lắm, chắc là nhà "địa chủ". 
Hồi bé luôn hình dung ra "nhà địa chủ" là những gia đình giàu có, độc ác, hay đánh đập người và "bóc lột" moị người. Họ có nhiều "đầy tớ" và ai làm việc cho họ cũng ăn đói và mặc rách rưới, vá chằng vá đụp! 
Đâu có biết là ông bà cố nội và ngoại nhà mình cũng là "địa chủ". 

Cả vườn đồi rộng, đẹp, là lạ của cây cối nửa núi rừng, nửa của quen thuộc với nếp nhà gỗ cổ xưa nâu trầm, tối tối, ẩm ẩm với nhà ngang, nhà bếp, sân gạch. Nhà chủ không còn nhớ tên nữa, chỉ còn nhớ bà Cúc Què. Không rõ bà bị tàn tật bẩm sinh hay ngã thành tật. Một bên bàn chân bà quẹo và bên trong và ngửa lên trên. Bà hay vấn tóc trên đầu và tiếng bà tru tréo la mắng bọn trẻ con hay trêu trọc bà. 

Khu vườn ấy có lẽ là cả một vườn địa đàng. 
Cả Trại trẻ Nhỏ nằm lọt bên trong, nhà bếp, nhà tập thể cho các cô phụ trách nhà trẻ. 
Cả một lán học từ lớp vỡ lòng đến lớp 4 cũng làm trong vườn ấy. 
Thầy Lâm dạy hầu hết các lớp. Thầy đã già lắm, Nghe nói thầy dạy học từ thời Tây. Nhà thầy kín cổng cao tường đá ong đã cũ lắm rồi. 
Hồi ấy, lọt vào vườn nhà bà Cúc Què là như lọt vào truyện cổ tích của các vị thần hung dữ. Vừa sợ vừa thích. 
Nhà bà Cúc Què có một ngôi nhà từ đường riêng chuyên thờ cúng. Ngôi nhà ấy luôn cửa đóng then cài. hành lang ẩm thấp rêu phong. Giữa trưa hè nắng bước vào khu vườn nhà từ đường ấy vẫn thấy lành lạnh. Lá rụng khô mục từng lớp, Bậc tam cấp rêu xanh rì từng đám. Lẻn qua bức mành tre treo trườc cửa chính, nhìn qua khe cửa vào trong điện thờ: hoành phi câu đối, bát nhang đầy chặt chân nhang. mạng nhện chăng đây đó. Những bức điều cũ kỹ ố màu... nhìn rất sợ và không dám thở mạnh. Vậy mà lâu lâu vẫn lẻn vào nhìn trộm, mong có ngày nhìn thấy ... ma ở trong đó. 

Khu vườn đấy, nếu còn đến nay thì còn hơn cả một vườn sinh học trong mơ. 

........

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét