Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2009

Về Ba Vì thăm nhà vãi Phấn

Vãi Phấn
Tranh ba vẽ truyền thần vãi Phấn năm 1966

Vãi Phấn mất đã vài chục năm rồi. Gọi là vãi Phấn là gọi theo tên anh Phấn, con trai duy nhất của vãi hy sinh năm 1966 khi anh đang ở lứa tuổi 20, chưa có người yêu, không có lấy một tấm ảnh để lại. Bác Trụ là chị gái của anh Phấn. Nhà chỉ có hai chị em. Lúc về thăm, bác Trụ đã 75 tuổi, bác hơn mẹ 5 tuổi. 

Sau đợt sơ tán thứ 2, gia đình trở về Trường sĩ quan pháo binh năm 1972 và không phải đi sơ tán nữa. 
Cuộc sống cuốn lấy ba mẹ, bọn trẻ con thì học hành vui chơi cùng ngày tháng cho đến sự kiện 1975, rồi gia đinh về quê ba ở miền nam. Cuộc sống những đứa trẻ thật sự sang chương mới. 
Người xưa có câu "Thời gian như bóng câu qua cửa sổ" quả là sống động. Đến tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh" mới thấm thía về thời gian và đời người. 

Bao nhiêu vật đổi sao dời từ thời thơ ấu đến lúc 50 thu, trong tiềm thức lúc nào cũng nhớ nhung về một vùng đất đồi có những bụi hoa sim hoa mua mọc theo các bờ vườn ven đồi, những mảnh ruộng mà nay nhìn lại bé tí tẹo mà chẳng nghỉ ngơi bao giờ: lúa, sắn, khoai, đỗ, lạc... thay phiên nhau mọc trên ấy. Từ những mảnh những thửa ruộng bé tẹo ấy, chiều xẩm tối vãi Phấn một tay dắt trâu một tay vịn vào đôi quang gánh với cặp xảo (một loại rổ to nan tre dày dùng đựng nặng), bên trong lèo tèo một ít củ khoai sọ, một ít lá khoai sọ già nấu cám lợn, ngọn non của bụi khoai sọ sẽ được phơi héo kho tép đồng: mấy con đòng đong cân cấn. 
Vãi Phấn đã khắc trong lòng vĩnh viễn cái hình ảnh bé nhỏ của vãi với chiếc nón cũ rách, thỉnh thoảng có mặc chiếc áo tơi lá, đôi quang gánh, con trâu đủng đỉnh về trên con đường bìa làng lúc trời nhập nhoạng. 

Khi vãi về đến nhà là cái bếp bên cạnh chuồng trâu đỏ lửa rơm. Chẳng mấy chốc, bữa cơm tối được dọn ra. 
Trên cái sân gạch, cả nhà vãi và nhà tôi ăn cơm chung. Một ngọn đèn dầu tù mù, vãi ngồi đầu nồi, lưng còng cúi gập xuống cái nồi cơm cầm đôi đũa cả tìm mấy củ khoai sọ bở nhất cho bọn trẻ con. 

Khi gia đình sơ tán về Nhân Lý, huyện Ba Vì thì trông vãi đã già lắm rồi. Tóc vãi cắt ngắn như người tu hành. Mắt của vãi nhìn không rõ lúc nào cũng hấp háy rất lâu. Mẹ bảo mắt vãi bị "lông quặm" nên vậy. Thế mà, hầu như những bữa cơm tối ngoài sân gạch nhiều hôm vẫn còn nóng hổi do nắng, có hôm chỉ có ánh trăng non vì nhà hết dầu, chỉ có vãi ngồi đầu nồi, nhỏ thó, lúc nào cũng cúi gập, bới tìm mấy con tép trong đĩa dưa kho, mấy củ khoai hấp cơm, gắp cho mấy đứa trẻ con. 

Ngày ấy, ba đã vẽ truyền thần lại từ một bức ảnh bé tí của vãi ngày còn vấn khăn. Nay bức truyền thần ấy được treo phía dưới bàn thờ đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn. Thấm thoắt bức tranh ba vẽ vãi Phấn đã hơn 40 năm. 
Ba cũng vẽ cho vợ ông giáo làng một bức truyền thần khác. Bà giáo bị hỏng một mắt, ba vẽ còn nguyên cả hai, ông bà giáo rất thích và rất quí ba. Nay cả hai đều ra người thiên cổ từ lâu như vãi Phấn. 

Cứ nghĩ ra đến Nhân Lý sẽ ra thăm nấm đất nơi vãi Phấn nằm, thế rồi lần nào cũng không ra đến đấy được. Có lẽ vãi không muốn mình nắng nôi, bước thấp bước cao ra cái ruộng mé lưng đồi, nên lần nào cũng khiến mình đến nhà vãi là lại quên. 

Lần thăm này, gặp được chị Loan, con gái cả bác Trụ. quần sắn gối mới ngoài đồng về, câu chuyện ngày xửa ngày xưa nối nhau... Rồi đến lúc biếu gia đình vãi Phấn chút quà, mấy đứa nhỏ ra vườn hái quất hồng bì cho khách mang về phố... 
Cây đa đầu làng mùa này về thăm xanh tốt, cái giếng dưới gốc cây đa đã được xây sửa gọn gàng. Bên đường, trên mảnh vườn nhỏ, gà mái mẹ cục cục dắt bầy con đủ cả hoa mơ, đen, vàng... chíp chíp. Lối đi thơm mùi rơm phơi đang mùa gặt lúa xuân hè. 

May mắn mấy chục năm mới lại được thấy những cánh đồng lúa chín vàng. 

Ngoái lại, xaxa thấy bóng dáng nhỏ bé của vãi Phấn với chiếc nón, đôi quang gánh thấp thoáng, chìm nổi trên lối đi rìa làng... 
------------
14 tháng 6 năm 2010





  















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét