Ba Duyệt năm 2010 và cháu nội |
Tháng chạp năm 1972 ba Duyệt từ Quảng Trị
trở về.
Ba về vào lúc tối.
Lán sơ tán ở Yên Mỹ lúc ấy là
một lán dài lợp mái giấy dầu năm ngay ven đầu làng. Dãy lán dài phía ngoài đường làng là nhà ăn của bộ đội, chỉ có mái che và bàn ghế ăn cơm. Hai gian đầu
hồi phía cánh đồng là nơi ở của 3 nhà đi sơ tán không ở cùng nhà dân: Gian kề là cô Giữa, cô Diệp ở chung
vì ít người. Nhà ở riêng gian đầu hồi. Lán cách bờ rào phía sau khoảng 2m. Trời mưa to, mở cửa sổ phía sau dựng lên thỉnh thoảng thấy rắn bò ra đu đưa ở mấy gốc cây, chắc là hang nó bị nước chảy vào.Chiều tối hôm ấy, từ bên gian nhà cô Diệp nghe thấy tiếng cô gọi to với sang:
- Chị ơi, anh Duyệt về hay sao kìa.
Cả nhà mình chạy ra phía con đường có cái giếng, bếp lò nấu ăn của bộ đội bên ao thấy có chiếc xe com-măng-ca: Đúng là ba về.
Cả nhà bám quanh ba đi vào.
Cô Diệp cùng mọi người sang thăm ba. Chồng cô Diệp vào chiến trường trước ba và chưa về, cô cười nhưng nước mắt chảy nhòe rồi về giường ngồi khóc. Đợt ném bom cuối năm ấy em gái cô Diệp làm ở Q51 bị cụt chân. Sau đó người yêu cô cùng làm chỗ cô Diệp bỏ cô. Cũng từ sau đợt bom ấy mọc lên một nghĩa địa nhỏ mới cách không xa cổng trường SQPB.
Ba về nhà, mình như trút được nỗi sợ hãi nhớ về mỗi khi máy bay "cánh cụp cánh xòe" (thấy mọi người bảo vậy) bay qua, mái lán giấy dầu rung lên bần bật và tiếng rít của máy bay như xé phải bịt tai lại.
Mình cũng không phải sợ đi học chiều về muộn vì có ba đi đón khi phải qua một đoạn đường gần nhà bà Cúc Què có bãi tha ma nhỏ bên đồi hay có vòng hoa và cái gì trăng trắng bên trên mà mình tưởng tượng là bát cơm và quả trứng.
Thỉnh thoảng còn khoái chí nằm tranh em bé trên cái võng dù lắt lẻo. Võng mắc thấp phía trên giường nên mình lớn hơn ngồi lên là gần chạm gường, không dám đu đưa.
Có lần còn tuốt đòng đòng trộm ruộng lúa nếp gần nhà bị đuổi bắt trốn vào nhà đóng cửa, nằm im trên võng, không ai tìm thấy. hehe...
Lâu lâu lại trở về thăm cái mảnh đất đầu làng Yên Mỹ nhìn sang Phụ Khang ấy. Có lần trợn mắt ngạc nhiên khi hỏi một chị phụ nữ trong làng. Chị ấy hỏi lại: Em Khôi phải không? Hóa ra bà ấy học cùng ông anh hồi lớp 6! Đất ấy là rìa của chân đồi mà nhà cửa làng mạc dựng trên ấy từ ngày xửa ngày xưa. Lúc đầu nó còn khá rộng, sau sụt sùi đất lở, mỗi lần về thăm thấy lại bé hơn. Cuối cùng chủ nhà phía trên đã xây tường bao, nay chỉ còn như một lối đi ra cánh đồng hay sang thôn Phụ Khang.
Tháng 8 năm 1972 mình theo xe con đưa mẹ từ Yên Mỹ (buổi sáng mẹ còn đi Sơn Tây mang sổ đi mua gạo), đi sinh em ở trạm xá tại đình Vân Gia, ngay vùng xảy ra vụ cứu tù binh Mỹ. Đây cũng là nơi có tục thách cưới lót gạch đường làng. Con đường gạch vẫn còn. Cây đa, bến nước nơi mình giặt tã cho em vẫn đó. Ngày ấy mẹ sinh em, một đêm mưa to bão lớn, sớm ra giặt tã cho em thấy cá mương nhỏ dài cỡ ngón tay nổi đầy ven bờ. Chỉ mỗi tội cái sân đình có ngôi nhà xây chắn hết nửa sân quay lưng vào đình. Hỏi ra thì bảo là nhà ông phó chủ tịch xã.
Trước khi mẹ sinh em bé, mẹ bảo đặt tên em là Liễu vì anh kề tên là Tùng. Cô Diệp bảo, em nghe tên Liễu nó cứ thế nào ấy, chị đặt tên khác đi. Mẹ bảo: Thôi cây Tùng cây Mai cũng được. Khi sinh em bé là con gái ở Vân Gia mẹ đặt tên em bé là Vân Mai bảo để kỷ niệm. Em được hơn một tháng thì nhận được thư ba bảo đặt là Kiều Mai. Mẹ bảo đặt tên Kiều sợ khổ. Lúc ấy cũng chả hiểu gì, chỉ biết là có chuyện cô Kiều xinh đẹp nhưng rất khổ. Bây giờ mới thấy cô út không dính Kiều thì cũng có chữ Vân, dù chả liên quan gì đến Kiều.
Cậu Tùng thì chả dính gì đến cây cối mà dính đến hẳn vua chúa. Thực ra tên cậu Tùng không phải theo nghĩa tùng, bách mà ba đặt cậu tên cậu Tùng theo tên Tùng Thiện Vương. Cậu Tùng sinh ở Tùng Thiện, ba nói huyện Tùng Thiện được đặt tên lại theo tên Tùng Thiện Vương con trai của một vị vua triều Nguyễn ở Huế ra Bắc thăm nên đổi tên cũ thành Tùng Thiện, ba đặt tên cậu là Thiện Tùng chứ có phải cây cối gì đâu. (Sau này đọc biết đó là ông hoàng Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, sinh năm 1819 con vua Minh Mạng, có tài thơ phú. Năm 1853 đổi tên huyện Minh Nghĩa thuộc trấn Sơn Tây thành huyện Tùng Thiện, không thấy nói gì đến Tùng Thiện Vương).
Bờ ao ngày ấy chưa có hàng chuối mà là vạt cỏ rộng. Cái bờ ấy có lần anh Khôi thấy có cặp cá trê bơi ra bơi vào hang thế là anh lấy cái rổ rình nó bơi vào chặn được một con. Lúc ấy có người làng đi qua thấy họ bắt vứt xuống.
Cũng bờ ao này cậu Tùng còn bé, lúc trời rét chuyên cởi truồng, ở trên thì mặc mấy lớp áo lạnh hay lang thang ra bờ ao bắt chuồn chuồn kim. Chuồn chuồn kim dễ bắt, nó chẳng bay cứ đậu im, cậu chàng bắt được nên mê lắm. Thế là có lần với ra con đậu xa bờ ngã tòm xuống ao. Bờ ao nông nên cậu đứng luôn đấy, mình trông thấy ra kéo lên. Có lần cậu còn bé mình phải ẵm em. Bọn nó chơi vui quá, mình đặt em ngồi lên nắp thùng phuy nhỏ đứng xem, một lát sau cọ quậy thế nào, ùm một cái cậu lọt xuống. Mình vẫn con ôm hờ một tay nên túm được lại kéo lên. Ém nhẹm, nên không bị mắng.
(Sau này thấy ba viết "Tết pháo binh và chuyện Kiều" mới hiểu ở chiến trường chắc ba Duyệt thương mấy mẹ con ở nhà lắm).
Năm 2000, cô út Vân Mai sinh con đầu lòng mình ra Vân Gia chụp lại cảnh cũ này.
Nay tháng chạp 2012, thế mà đã 40 năm.
Ba Duyệt thể chất vẫn hồng hào. Ba rất thông minh nên khi thọ ngoài 80 ba đã chọn giải pháp quên đi mọi hệ lụy đời người sống vắng lặng, thanh thoát.
Nền lán sơ tán năm 1972 ở Yên Mỹ |
Ao phía trước lán, có lần cậu Tùng bắt chuồn chuồn bị ngã |
Đồi Ba Cây ở Yên Mỹ |
Đình Vân Gia |
Năm 2010
Nền lán sơ tán xưa chụp năm 2010 về thăm nhân dịp ba Duyệt Thượng Thọ 80 tuổi
Trường Sĩ Quan Pháo Binh Sơn Tây năm 2010
Cô giáo Trường ĐH spkt Tp Bác thăm phòng Đào Tạo |
Cô con gái A. Tuyết của ba Duyệt nối nghiệp Giáo (không có binh) |
Chỗ bờ ao này trong trường SQPB là vườn rau (sạch) ba trồng cho nhà |
Ba Duyệt 2010 |
Mới có một cháu gái yêu |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét