Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

Tết, pháo binh và chuyện Kiều





Thưa quí bạn, tôi là một anh lính pháo binh của hai cuộc kháng chiến, nay đã vềhưu. Người già hay nhắc đến dĩ vãng, năm hết tết đến xui tôi lại nhớ đến một cái tết ở chiến hào.
Thế là tôi đã nói đến pháo binh, đã nói đến tết, còn nàng Kiều tài sắc, có duyên nô gì với pháo binh, thì xin phép quí bạn cho tôi được từ từ...
Tết năm 1972, ở hầm chữ A tuy không có bánh tét, bánh chưng nhưng hoa rừng thì không thiếu. Trên chiếc hòm đạn gỗ dùng làm bàn thờ có những phong lương khô sắp đặt vuông vắn, những quả cây rừng nom đẹp mắt nhưng không biết là quả gì, bày làm mâm ngũ quả.
Tiếng đại bác cầm canh... Chiếc ra-đi-ô nhỏ đang nói về cái Tết Kỷ dậu vẻ vang năm xưa, anh hùng Nguyễn Huệ đánh tan 30 vạn quân Thanh trên đất Thăng Long.
Bởi nghề riêng nên tôi cứ vương vấn mãi câu hỏi: Không biết lực lượng pháo binh của Hoàng đế Quang Trung thời ấy như thế nào? Vị chỉ huy quân sự thiên tài Nguyễn Huệ sử dụng pháo binh ra sao? Nhưng ở chiến trường lấy đâu ra tài liệu để tra cứu, và theo tật quen, tôi lại đu đưa chiếc võng dù, ngâm nga mấy câu Kiều trong óc để khuây lãng.
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau...
Rồi tôi chợt nghĩ, nghe rằng nhân vật Từ Hải phần nào nhận được hào quang của Quang Trung, vậy thì xem thử Nguyễn Du có nói đến pháo binh của Từ Hải chăng.
Đây rồi, lực lương của Từ Hải ở trung quân:
 Sẵn sàng tề chỉnh uy nghi
Bác đồng chật đất tinh kỳ rợp sân
Từ Hải đã có một lực lượng pháo binh hùng hậu gây chú ý trước cả lực lượng bộ binh.
Và đây nữa:
Kéo cờ lũy phát súng thành
Từ công ra ngựa thân nghênh cửa ngoài
Từ công có sử dụng pháo binh trong phòng ngự, súng thành tức đại bác đặt trên thành để phòng thủ.
Nhân đây xin phép nói lan ra một chút. Có tạp chí viết rằng việc bắn súng chào do một nước ở châu Âu sáng kiến ra cách nay hơn 100 năm. Như vậy cũng chưa phải là sáng kiến đầu tiên, Từ Hải mới là người đầu tiên dùng đại bác bắn chào , đón tiếp nàng Kiều, cách nay gần 600 năm. Từ Hải sống vào những "năm Gia Tĩnh triều Minh", Minh sử có chép là học được cách chế tác Thần cơ sang pháo của xứ An Nam. Hoặc ít ra Việt nam cũng biết bắn súng chào từ thời Nguyễn Du (cũng là thời Tây Sơn). Có thể Hoàng đế Quang Trung đã "phát súng thành" đón công chúa Ngọc hân chăng?

Về việc sử dụng pháo binh có câu dưới đây:
Kéo cờ chiêu phủ tiên phong
Lễ nghi dàn trước bác đồng phục sau
Đây là cách bố trí binh hỏa lực của Hồ Tôn Hiến, phía trước là bộ binh, phía sau có pháo binh mai phục. Quả thật Hồ Tôn Hiến là tay "mặt sắt", tiếp nhận một hàng tướng mà bố trí một trận địa phục kích thật chặt chẽ. Ví thử Từ hải có trá hàng, bất ngờ tấn công, thì trước tiên pháo binh của Hồ Tôn Hiến "bắn chặn", sau đó bộ binh "phản xung phong".
Tất nhiên không có trận địa thật nào của Hồ Tôn Hiến cả, mà Nguyễn Du căn cứ kiến thức quân sự đương thời (thời Tây Sơn) để sáng tác. Chỗ này có bảng Kiều in là "vác đòng phục sau", nếu phục bằng lao, mác thì khi " Hồ công ám hiệu trận tiền" sao có "ba bề phát súng" được.
Như vậy muộn nhất là từ thời Tây Sơn chiến thuật Việt Nam đã hình thành "Bộ pháo hiệp đồng". Chữ phục trong "bác đồng phục sau" cho ta suy luận rằng ông cha ta dùng nguyên tắc sử dụng pháo binh "mãnh liệt bất ngờ" từ lâu.
Có sách chép Quang Trung vào Thăng Long, chiến bào màu đỏ của Hoàng đế bị khói thuốc súng ám thành đen. Có lẽ lực lượng pháo binh của Tây Sơn khá mạnh, "mật độ hỏa lực khá cao", quan Thanh chạy về đến Tàu rồi mà còn hồn xiêu phách lạc, tai còn văng vẳng tiếng thần công:
Thừa cơ trúc chẻ ngói tan
Binh uy từ đấy sấm vang trong ngoài
Câu thờ hào sảng thời Tây Sơn nghe có ì ầm tiếng bác đồng chứ không còn ở mức độ "Trống trường thành lung lay bóng nguyệt" của thời kỳ "Mũi đòng vác đòi lần hăm hở" trong Chinh phụ ngâm.
Sau này có điều kiện tôi đã kiểm nghiệm lại những suy nghĩ trên. Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà lê chép rằng cuối thế kỷ XIV nước ta đã chế được thần công. Ngày 23 tháng giêng năm Canh Ngọ, Quang Thái thứ 3 (1390) hỏa pháo của Hồ Quí Ly đã bắn thủng chiến thuyền của Chế Bồng Nga, Hồ Nguyên Trừng, con trai trưởng của Hồ Quí Ly đã sáng tạo ra phương pháp chế súng thần cơ (hoặc thần công) nhiều cỡ, phù hợp với chiến đấu phòng ngự hoặc chiến đấu tấn công. Vào lúc này các cuộc chiến tranh trên thế giới còn dùng gươm giáo, Trung quốc sau đó cũng học được cách chế thần cơ sang pháo của ta - (cải cách Hồ Quí Ly. Phan Đăng Thanh. Trương Thị Hòa. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1996), Lịch triều hiến chương loại chí ghi Nguyễn Huệ dùng voi để chở súng thần công.
Hoàng đế Quang Trung là hậu duệ của dòng họ Hồ, là một bậc thiên tài quân sự lẽ nào lại không quan tâm đến vị trí chiến thuật của lực lượng thần công. Thiển nghĩ, nhận thức về pháo binh thời Tây Sơn qua các câu Kiều trên kia phải chăng là hợp lý.
Kính thưa cụ Tiên Điền, Kính thưa qúi bạn. xin phép đọc hai câu thơ cuối cùng của chuyện Kiều có "độ lại" chút ít để ngừng bút;
Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài ... phút xuân.

HỒ VĂN DUYỆT. Tạp chí Cẩm Thành 
Hoa đào ơi nhớ lắm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét