Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

Nhân chuyện bánh chưng ngày Tết



Đất nước ta lưu truyền hai câu chuyện nghề nông thời Hùng Vương, đó là sự tích quả dưa hấu và sự tích bánh chưng bánh dầy. Từ thời Hùng Vương thứ nhất đến nay gần 4.700 năm, từ vua Hùng Vương cuối cùng đến nay cũng đã 2.318 năm, vậy mà các sự tích nghề nông đó còn được lưu giữ. Câu chuyện đó không có tình tiết ly kỳ hấp dẫn như thần thoại Tây Phương hoặc gần gũi ta hơn là câu truyện Phong Thần Trung Quốc. Sức sống của hai sự tích trên có lẽ ở chỗ nó là trang sử bằng miệng ghi lại nền văn minh nông nghiệp rực rỡ của tổ tiên ta thời kỳ Hùng Vương.

Nhà văn Tô Hoài đã khai thác sự tích quả dưa hấu viết nên một câu chuyện của thiếu nhi. Quyển sách có tác dụng giáo dục cho các cháu tinh thần dũng cảm, cần cù, lao động sáng tạo của một Hoàng tử vượt qua thử thách gian nan. Nghĩ rằng nhà văn khai thác thêm thành tích kỳ diệu của nền văn minh nông nghiệp hàng đầu nhân loại của ta thời đó thì cũng có thể bồi dưỡng cho các thế hệ hôm nay và sau này lòng tự hào dân tộc, lòng mến yêu và có trách nhiệm với quê hương.

Sự tích bánh chưng bánh dầy có lẽ còn phong phú hơn chuyện quả dưa đỏ. Cấu tạo chiếc bánh chưng và kỹ thuật chế biến bánh dầy là minh chứng cho nền nông nghiệp phát triển cao từ thời Hùng Vương và việc nha nước coi trọng nghề trồng trọt, một đỉnh cao của văn minh thời đó. Vua Hùng đã trao ngôi báu cho người sáng tạo ra bánh chưng bánh dầy.

Nhân ngày Tết một nam qua, tôi có giới thiệu cho một người Âu rằng chiếc bánh chưng cổ truyền đã ra đời cách đây 4.000 năm. Người Âu này trố mắt ngạc nhiên. Ngạc nhiên cũng phải, cách đây 4.000 năm nhiều dân tộc có thể chưa biết làm bánh chứ chưa nói đến làm một cái bánh có dưỡng chất đầy đủ và cân đối như thế. Tiếc rằng tôi không đủ ngoại ngữ để diễn giải khía cạnh triết học của chiếc bánh chưng. Nếu nói được thì hẳn ông bạn người Âu còn ngạc nhiên gấp nhiều lần hơn nữa. Hẳn ông ta cũng như số đông người nước ngoài (cả người nước ta) không hay rằng nước Việt xưa cũng là một khu vực của cái nôi khai sinh ra học thuyết Âm Dương Ngũ Hành nổi tiếng.

Tôi không đọc được nhiều, mộn Triết học Phương Đông cổ lại càng kém cỏi nhưng thấy hình đồng tiền trên mặt trống đồng cũng đủ khẳng định rằng học thuyết Âm Dương đã có trong tư duy triết học dân tộc từ ngàn xưa. Chắc chắn thời đại trống đồng chưa có tiền bạc; Hình tròn bên ngoài, hình vuông ở giữa bên trong, không có cách lý giải nào đúng hơn là biểu tượng Âm Dương chắc sớm hơn rất nhiều thời đểm đúc biểu tượng Âm Dương lên trống đồng. Hình tròn trên trống đồng là biểu tượng tính động của Dương, chiếc bánh dầy cũng hình tròn động của Dương là tinh, trong, bánh chỉ có tinh bột không có chất liệu hỗn hợp, màu sáng cũng là Dương. Hình vuông trên trống đồng biểu hiện tính tĩnh của Âm, chiếc bánh chưng cũng có hình khối vuông, vững vàng, tĩnh và còn thể hiện thêm tính chất đa tạp do chất liệu hỗn hợp nếp, đậu, thịt, gia vị và tính nuôi dưỡng của khái niệm Âm xưa. Trái với màu sáng của bánh dầy, bánh chưng màu tối, màu Âm.

Chiếc bánh mà thể hiện được nền nông nghiệp phong phú, lại minh họa được cả triết học của nền sản xuất đó thật đáng... nhừơng ngôi cho. Có thể hình dung Hoàng tử Lang Liêu không những là nhà nông tài hoa mà còn là một triết gia thâm thúy.

----------

Hồ Văn Duyệt. bài đăng trên TẠP CHÍ CẨM THÀNH Số 76 (Quảng Ngãi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét