Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

Tân Liêu Trai tái bản



Sinh vốn gốc nhà thư gia, chăm học, bẩm sinh tài hoa, cầm kỳ thi họa học qua một lần là nhớ. Thuở nhỏ mẹ lâm bệnh nặng mà mất, từ đó quyết tâm dùi mài kinh sử nuôi cha già, em thơ. Nhân dịp vua mở khoa thi, tuyển đại phu để bổ khuyết cho Viện Thái Y, nghĩ đến mẹ Sinh lại càng quyết tâm thi đậu để cứu người giúp đời. Môn thi ngoài Tứ Thư Ngũ Kính còn thêm môn Vạn Vật lẫn Ngoại Văn. Trên đường từ nhà xuôi kinh ứng thí, sinh ít tiền nên thuê quán trọ bên đường cạnh chân Núi Dài để nghỉ ngơi. 

Đêm xuống Sinh vẫn khêu đèn cắm cúi học, sợ buồn ngủ nên đọc to một số bài chưa thuộc.
Chợt nghe tiếng gõ cửa nhè nhẹ, Sinh ngỡ chủ quán mới mở ra, thì thấy một thiếu nữ xinh đẹp cúi đầu chào, tay cầm đèn có dầu nhưng bị tắt. Sinh liền hỏi: “Cô là ai mà đường đột nửa đêm gõ cửa phòng nam nhân, không sợ hay sao?”
Nàng nhỏ nhẹ trả lời: “Dạ thưa, em họ Hồ, là cháu gái chủ quán trọ. Em cũng hay tin là có thư sinh lai kinh ứng thí vào Thái Y Viện đang ở trọ. Chẳng dấu gì công tử là em cũng định lai kinh ứng thí vào viện Thái Y, nhân dịp ôn bài gió làm tắt đèn, định tìm lửa nhưng sợ làm mất giấc ngủ của bà dì, nên mạo muội sang phòng công tử xin mồi lửa”.
Sinh mừng rỡ: “ Không sao, nếu cô cũng đi thi thì cứ thắp đèn ngồi đây ta cùng ôn bài.” Thiếu nữ vén áo, rón rén lấy thêm ghế ngồi đối diện sinh, thắp thêm đèn, và lật sách. Sinh nhìn thấy dáng đẹp tuyệt trần, da trắng như tuyết, tóc đen như gỗ mun, môi tươi như hoa hồng, má đào, mắt long lanh, dưới ánh đèn càng nhìn càng ngẩn ngơ, không thể rời mắt.
Nàng hỏi: "Ơ kià, thế công tử có định ôn bài không đấy?”. Sinh giật mình, chữa thẹn, bèn hỏi thử nàng một câu khó xem thử trình độ nàng thế nào. Nào ngờ nàng trả lời trôi chảy, tiếng càng thánh thót, nghe như rót mật vào tai. Sinh thử thêm vài câu khó nàng cũng giải được. Đến lúc nàng hỏi vài câu, Sinh đỏ bừng mặt vì khó hiểu. Nàng bảo:”Nếu công tử học không cặn kẻ thì khó qua phần viết, chưa kể đến phần vấn đáp.” Sau đó nàng giảng giải cho sinh rõ cơ chế vận hành của các cơ quan sinh vật tựa như là quan đại phu phụ trách đào tạo y sinh. Sinh càng nghe càng phục tài thông minh đỉnh ngộ của nàng. Sau ba đêm ôn bài nghiêm túc thì Sinh hầu như làu thông các sách để chuẩn bị ứng thí.
Ngày lên đường Sinh từ biệt chủ quán thì không thấy nàng đâu. Đang ngẩn ngơ thì bà chủ đưa 1 phong thơ bảo nàng họ Hồ gửi lại viết rằng: "Em với chàng có chút duyên phận, nên sẽ đi sau vì có chút công việc. Chàng cứ đi trước, sẽ gặp nhau tại trường thi”.
Chàng an lòng lên đường, đến trường thi rồi, dáo dác không tìm thấy một bóng hồng nào, nàng vẫn bặt tăm. Đến lúc quan chủ khảo trường thi xướng danh vẫn không thấy. Chợt nghe tiếng: " Chào huynh!" của nàng, nhìn sang bên cạnh thì thấy nàng ăn vận trang điểm như nam nhân, miệng tủm tỉm cười.
Ngồi gần nàng, Sinh ngửi được mùi xạ hương ngạt ngào khiến tinh thần phấn chấn, vào thi đọc đề mới thấy điều quái dị xảy ra: Tất cả những đề thi đều y hệt những bài học mà nàng cùng ôn với Sinh nơi quán trọ. Sinh làm bài rất hoàn hảo.
Đến ngày có bảng vàng thì lạ thay Sinh thấy mình đứng đầu mà chẳng thấy họ tên của nàng. Đi loanh quanh cũng không thấy bóng dáng nàng đâu. Ngờ rằng nàng lẩn tránh mình nên Sinh thơ thẩn cố ý đi tìm. Đột nhiên thấy gần trước mắt có cổng tam quan, trên đề ba chữ "Huyền Không Tự". Nghe tiếng chuông chùa vọng lại, Sinh bước qua tam quan vào chánh điện lạy Phật. Lạy xong ngẩng lên, Sinh liền thấy mé hiên bên thấp thoáng bóng nàng. Vội chạy theo, Sinh bị vấp ngã. Đứng lên thì bóng nàng biến mất, rơi lại 1 lá thư thoảng mùi xạ hương, có nội dung sau: “Xin công tử tha lỗi, thiếp không phải là người. Cảm ơn xưa công tử xin cha thả con chồn hoang bị mắc bẩy núi mà trả công giúp việc đèn sách. Thiếp đã tu theo Pháp Phật nên chẳng nhuốm lòng trần, chỉ biết đền ơn tri ngộ. Nay công tử đã thành danh là thiếp mừng. Mong công tử sau này thành tài cứu nhân độ thế. Nếu rỗi rảnh công tử gắng tìm hiểu kinh Phật, vì nơi đó chứa Vô thượng thậm thâm Vi diệu pháp. Kính thư ”.
Nhận thư mà lòng Sinh buồn vô tả, phút chốc muốn vào gặp trụ trì phát nguyện quy y luôn. Rồi nghĩ đến cha già em dại chẳng ai lo, Sinh lại quày quả xuống núi. Nghe quán xá bên đường ca nhi hát bài : ”Giờ này, em ở đâu” mà lòng Sinh buồn rười rượi, như bị ai cắt bớt nửa trái tim...

(Nguyên tác: Hoàng Sơn)


Em họ Hồ, tên Nhung
Thư gửi chàng Sinh (nguyên bản)


Thưa chàng,
Em thực cũng đã dùi mài đèn sách, ứng thí thi đậu tới bà Nghè.
Trải mấy mươi năm chịu độc, cứu người, một lòng tận tâm xót thương thảy chúng sinh. Sinh nghề, chịu nghiệp, hồng nhan chốn song thưa chưa đủ mặt dầy.
Lại nữa, chốn quan trường chả khác gì 300 năm trước lúc Đại Thi hào Nguyễn Du khóc nàng Kiều. 

Ngẫm thấy kiếp người thật khổ, đoạn trường làm thân con gái, 12 bến nước trong nhờ đục chịu, quả đúng là "Đau đớn thay phận đàn bà...".
Sinh ra vào thời gọi là "Quá độ". Được cha theo nghề binh nghiệp, chiến trận liên miên, luôn dạy rằng: Nước Nam muôn đời rất nghèo, khổ. Nay hiểu nước nhà tiếng là độc lập nhưng thực là bảo hộ, vậy nên gần nhẫn xa nhục.

Cha mẹ em cũng lớp xuất thân trong gia tộc công thần, nho giáo đi mở nước. 
Phía Bắc từng phò Hoàng Hoa Thám, nuôi nghĩa quân xưa một thời Bắc Giang, Yên Thế. Ngày "chia chác ruộng đất" lại (em thường nghe là " CCRĐ- cải cách ruộng đất"), công thần phía ngoại nhà em mất hết điền sản... Ông cố công thần tuy không bị bắt trói đem ra "đấu tố" giữa sân đình, nhưng trắng tay, gia quyến nát tan,  ông quyên sinh đến lần thứ hai thì mất. Mẹ em (và anh chị em của mẹ) nay mang họ giả vì ông ngoại trọng bệnh mất sớm chỉ còn mình bà ngoại. Bà em sợ bị truy về sau nên đã đổi họ của con.
Bên nội Nam tiến khai hoang mở đất 300 năm trước, nuôi hàng trăm suất đinh đào sông trị thủy, vua ban đời đời dùng nước không phải đóng thuế... vì các hàng nhất phẩm, nhị phẩm mới lên... mà ly hương mười phương tám hướng... Nay hương hỏa của ông nội tài giỏi 17 tuổi đậu tú tài toàn phần mà yểu mệnh,  thương thay mồ mả trên đất từ đường bao la nhiều đời, nay bỗng nhiên bài vị thành đặt "nhờ" trên đất ấy. Em thường quặn lòng nhớ cảnh chiều quê hương, vườn cau cao gầy hắt bóng sẫm đen lặng lẽ trên nền trời trong ánh tà dương dần khuất sau dãy núi Vàng xa mờ phía tây vườn xưa của ông Nội. 

Ba chìm bảy nổi, thân gái chẳng khỏi đôi lúc ngồi khóc thầm... Một ngày kia Bụt hiện ra hỏi "Vì sao con khóc?", rồi em thấy có hai chữ "Phật Pháp" hiện ra rỡ rạng, lung linh. Em bỗng thấy toàn thân rỗng lặng... ngôn từ chẳng thể tả niềm an lạc ấy. Khi em định thần lại không thấy Bụt và chữ đâu nữa.
Bèn từ đấy đi tìm...

Học được chữ "Nhân - Quả",

Do hưởng phước lành, chàng đã từng là thân quyến, bạn đạo, bằng hữu với em từng cùng an vui trong Pháp nhiều kiếp trước. Gặp chàng lần này, vì ân sâu nghĩa nặng chàng gieo cứu trọng bệnh kiếp xưa mà dính mắc, nguyện được trả ơn, may nhờ Bụt giúp...
Nếu em được quả lành, rộng đường tinh tấn... mai này thẳng cõi Chư Thiên, Phạm Thiên, thì duyên lành hội ngộ hôm nay có là bao với An vui ngày tới...


Chàng An vui trong Pháp trọn kiếp này
Em trở về với Pháp 

Em họ Hồ







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét