Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2020

Cây sồi thành Troy

Dưới gốc sồi thành Troy. Canakkale, Turkey




Tháng 10 năm 2019, hai mẹ con đi Thổ Nhĩ Kỳ

Cô Soái ca "phượt" nhóm 5X, 6X gọi điện: "Đi Thổ. Tour Khuyến mãi, rẻ lắm. Đến nước tận cùng tây Á, lại có phần thủ đô nằm ở châu Âu đấy"
Thế là đi


Đã đi học, công tác ở nhiều nước châu Âu : Hungary, Áo, Hà Lan, Thụy Sĩ, Pháp, vậy mà choáng toàn tập lại là Thổ Nhĩ Kỳ

Biết viết gì đây một đất nước dân 99% theo đạo Hồi

Một đất nước khi đến rồi trở về, điều còn lại là như vừa quay ngược thời gian trở về với thời cổ đại với những kiến trúc vĩ đại Hy lạp và La mã gắn với những tên tuổi và địa danh lẫy lừng lịch sử, khoa học, y học văn minh
Dọc theo con đường qua những đền thờ, sân hòa nhạc ngoài trời vĩ đại nay chỉ còn những  hàng cột đá cẩm thạch sừng sững, những khối đá phế tích ngổn ngang đổ nát do chiến tranh, do động đất rộng lớn ngút tầm mắt, con gái thốt lên: "Mẹ ơi, nơi đây xưa cũ đến độ những linh hồn cũng rời đi cả rồi, chỉ còn hoang vắng".
Bước chân trên những phiến đá cẩm thạch mấy ngàn năm ấy, trong ý nghĩ tràn ngập hai chữ "vô thường". Thấy cái "tôi" bé nhỏ trên cõi giới đến độ tự hỏi ví "hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi" có lẽ cũng chưa phù hợp

Thành Troy
Làm sao thời tuổi trẻ có thể dám mơ một ngày đặt chân đến nơi có con ngựa thành Troy huyền thoại lại thành thật
Cây sồi, cây ô liu và cây sung ngọt là ba loài cây như là biểu tượng của đất nước Thỗ Nhĩ Kỳ
Người dân Troy coi cây sồi là biểu tượng cho khí phách của họ: mạnh mẽ, cứng cáp, dẻo dai trước những cơn gió dữ dội thường xuyên quần đảo suốt bốn mùa dọc bờ biển nơi đây

Cây sồi là cây ấn tượng nhất từ khi đặt chân đi học bên tây

Cũng là khi xưa đọc Chiến Tranh Và Hòa Bình của Lev Tolstoy, rất nhiều bạn bè yêu thích và chính mình từng mông lung tưởng tượng về đoạn nhà văn viết về hình ảnh cây sồi già to lớn trong hai lần gặp cây sồi cùng vào mùa xuân ấy với hai tâm trạng của công tước Andrey Bolkonsky.
***


Trích dẫn
"..Trong khi đó cuộc sống, cuộc sống thật của con người với những điều thiết thân về sức khoẻ, bệnh tật, công việc, nghỉ ngơi, với những vấn đề tư tưởng, khoa học, thi ca, âm nhạc, tình yêu, bạn bè, tình bạn, thù hằn, dục vọng, vẫn trôi qua như thường lệ, bất chấp và vượt qua mọi sự thân thiện hay hiềm khích về chính trị với Napoléon Bonaparte, vượt qua mọi cuộc cải cách ở trên đời, công tước Andrey đã hai năm nay không rời khỏi chốn thôn quê.

Mùa xuân năm 1809 công tước Andrey đi đến các điền trang của con trai ở Ryazan do chàng đảm dương việc trông coi.
- Thưa đại nhân, thật là khoan khoái.
- Cái gì?
- Thưa, thật là khoan khoái ạ.
"Anh ta nói gì thế nhỉ? - Công tước Andrey nghĩ thầm - Phải, chắc là nói về mùa xuân, - chàng nghĩ, mắt nhìn sang hai bên đường. - Ừ cảnh vật mới đó mà đã xanh rờn, chóng quá! Bạch dương, điêu lê và cả xích dương nữa, đều đã bắt đầu, còn cây sồi thì vẫn chưa thấy gì. Phải đây, đúng là một cây sồi rồi".
Bên vệ đường sừng sững một cây sồi. Có lẽ nó già gấp mười lần những cây bạch dương mọc thành cánh rừng này, nó to gấp mười và cao gấp đôi mấy cây bạch dương ấy. Đó là một cây sồi rất lớn hai người ôm không xuể, có những cành có lẽ đã gãy từ lâu, vỏ cây nứt nẻ đầy những vết sứt sẹo. Những cánh tay to sù sì không cân đối, những ngón tay quều quào xòe rộng, nó như một quái vật già nua cau có và khinh khỉnh đứng giữa đám bạch dương tươi cười. Chỉ có một cây sồi là không chịu đón lấy mùa xuân và ánh nắng.
Mùa xuân, tình yêu, hạnh phúc! - Cây sồi già như muốn nói thế - Làm sao cái điều dối trá khờ khạo và điên rồ như thế mà mãi các người không chán! Quanh đi quẩn lại chỉ có thế, và vẫn chỉ là một sự dối trá mà thôi! Làm gì có mùa xuân, có ánh nắng, có hạnh phúc? Kìa, các người nhìn xem, những cây thông chết cằn chết rụi, bao giờ cũng vẫn thế, và ta nữa, những ngón tay rạn gãy, sây sát từ lưng ta, từ sườn ta mọc lên; xưa kia nó mọc như thế nào thì ta bây giờ cũng như thế, và ta không tin vào những niềm hi vọng và những sự dối trá của các người.
Công tước Andrey ngoái cổ lại cây sồi mấy lần trong khi xe đi qua cánh rừng, dường như chờ đợi ở nó một cái gì. Dưới gốc cây sồi cũng có hoa, có cỏ, nhưng nó vẫn thế, cau có, lầm lỳ, què quặt và kiên gan đứng im lìm giữa đám hoa cỏ ấy.
"Phải, cây sồi nó nói phải, một ngàn lần phải, - công tước Andrey nghĩ, - Để cho người khác, những người còn trẻ, họ lao vào sự dối trá ấy, còn mình thì đã biết đời rồi, - cuộc đời của mình hết rồi"! Và một loạt những ý tưởng mới mẻ, vô vọng nhưng buồn buồn dìu dịu do cây sồi gợi lên nảy sinh trong tâm hồn công tước Andrey. Trong chuyến hành trình này, chàng như đã suy nghĩ lại cả cuộc đời của mình và một lần nữa chàng lại đi đến cái kết luận trước kia, một cái kết luận đượm màu bi quan nhưng cũng làm cho lòng chàng dịu lại, là bây giờ chàng không nên mưu đồ một cái gì nữa hết, rằng chàng phải sống nốt cho hết cuộc đời mình, không làm điều xấu, không ưu tư, không ước muốn gì nữa.
...
Lần thứ hai gặp cây sồi
Bấy giờ đã là đầu tháng Sáu. Trên đường về nhà, công tước Andrey lại đi ngang cánh rừng bạch dương có cây sồi già đã từng gợi cho chàng những ấn tượng kỳ lạ khó quên. Tiếng lục lạc trong rừng nghe còn mơ hồ xa xăm hơn một tháng rưỡi trước đây; cánh rừng thông non rải rác trong rừng không còn tương phản với cảnh đẹp xung quanh; bây giờ chúng đã hoà mình vào khung cảnh chung, đã trổ những ngọn chồi non xanh mịn.
"Phải, ở đây, trong cánh rừng này có cây sồi mà dạo nọ ta đã từng đồng tình, - công tước Andrey nghĩ thầm. - Nó đâu rồi nhỉ?".
Chàng nhìn sang bên trái đường và bất giác đưa mắt ngắm phía một cây sồi lớn mà không nhận ra rằng đây chính là cây sồi mà chàng đang tìm kiếm. Cây sồi già bây giờ đã đổi mới hẳn, toả rộng thành một vòm lá xum xuê thẫm màu, đang như say sưa ngất ngây, khẽ đung đưa trong ánh nắng chiều. Không còn thấy những ngón tay co quắp, những vết sứt sẹo, vẻ ngờ vực và buồn rấu trước kia cũng không còn dấu vết. Xuyên qua lớp vỏ cứng già hàng thế kỷ, những đám lá non xanh tươi đã đâm thẳng ra ngoài. Thật khó lòng tin được rằng chính cây sồi cằn cỗi kia đã sinh ra những chòm lá xanh mơn mởn ấy.
"Phải chính cây sồi dạo trước" - Công tước Andrey nghĩ, và chàng bỗng vô cớ có một cảm giác vui mừng, sảng khoái, tưởng chừng như mỗi tế bào trong mình đã đổi mới, sống lại. Và trong cùng một lúc chàng nhớ lại tất cả những giờ phút tốt đẹp nhất của đời mình. Chiến trường Austerlix với bầu trời cao lồng lộng, khuôn mặt đầy vẻ trách móc của vợ khi đã tắt thở, Piotr trên chuyến phà, người con gái bồi hồi rung động trước cảnh đẹp đêm ấy, và cả cái đêm hôm ấy, vầng trăng - tất cả những cái đó đều cùng hiện lên trong ký ức của chàng.
"Không, cuộc đời chưa chấm dứt ở tuổi ba mươi mốt, công tước Andrey đột nhiên nghĩ thầm, và ý nghĩ này có cái sức mạnh của một điều quyết định, không thể nào thay đổi được nữa". Ta biết rõ những gì ở trong ta ư? Không đủ. Phải làm thế nào cho mọi người cùng đều biết cơ: cả Piotr, cả người con gái đêm nào muốn bay lên trời. Phải làm sao cho mọi người đều biết rõ ta, sao cho cuộc sống của ta trôi qua không phải chỉ vì mình ta, sao cho họ đừng sống cách biệt với cuộc sống của ta, như vậy, sao cho cuộc đời của ta phản chiếu lên tất cả mọi người, và mọi người cùng sống chung với ta!".
...
Rồi chàng quay lại nhìn bức chân dung của nàng Lyza quá cố, tóc uốn quăn theo kiểu Hi Lạp, đang âu yếm và vui vẻ nhìn chàng trong chiếc khung thiếp vàng. Nàng không còn nói với chàng những lời lẽ khủng khiếp trước kia nữa, nàng chỉ vui vẻ nhìn chàng, vẻ giản dị và tò mò. Và công tước Andrey chắp tay sau lưng đi đi lại lại trong phòng, khi cau mày, khi mỉm cười ôn lại những ý nghĩ điên rồ, không thể nói ra được bằng lời, bí ẩn như một tội ác, những ý nghĩ có liên quan đến Piotr, đến danh vọng, đến cô gái ở cửa sổ, đến cây sồi, đến nhan sắc đàn bà và tình yêu, những ý nghĩ đã biến đổi cả cuộc đời của chàng. Và trong những giờ phút như vậy nếu có ai đến gặp chàng, chàng thường lỏ ra đặc biệt kiên nghị, nghiêm khắc và lạnh lùng, và nhất là chàng lý sự một cách khó chịu."
***

Cũng là cây sồi già ấy
Khi đọc Chiến tranh và Hòa Bình lúc ấy chỉ mới ôn thi đại học
Tuổi 17
Cây sồi lặng lẽ mọc vào nơi nào đó trong sâu thẳm tiềm thức chỉ vì cảm giác yêu mến qua trực giác
Đã biết, hiểu tí gì cuộc đời đâu
Nay đọc lại từng chữ, từng dòng về cây sồi và chàng công trước như xem lại chính hồi ức của mình từng ngày, từng ngày đã qua, đang qua vẫn tiếp tục học ra bài học cuộc đời
***
Ngồi dưới gốc sồi Troy nhớ về những dòng văn ấy. Bẻ một cành sồi nhỏ mân mê vuốt những chiếc lá xanh bạc, cứng cáp có viền lá xinh xinh mơ hồ bâng khuâng... 
Đã chẳng có chàng quí tộc nào, chẳng phải tiểu thư Natasa tràn trề sức sống xinh đẹp và giàu có được đàn ông vây quanh. Tuổi trẻ thơ ngây... thật ra chả có gì, chỉ có những buổi học đằng đẵng trên giảng đường và những ngày dài thực tập ở bệnh viện. Ngày ấy cả đất nước chìm trong đói khát, mòn mỏi ý thức hệ tăm tối
Suốt những năm tháng qua, cũng chẳng đủ phước có bóng dáng nào cao quí như chàng công tước Bolkonsky, dù thầm cho rằng mình còn hơn cả cô Natasa lung linh kia
***
Con gái vô tư vui vẻ bước trên nhưng phiến gỗ lát lối đi của khu di tích xưa, ngắm nhìn bầu trời Troy mùa thu xanh thẳm và phế tích lẫy lừng. Gió lùa vào mái tóc thiếu nữ mượt mà óng ả bay bay trong nắng tươi và cơn gió tháng 10 se lạnh


Ngày hôm qua ấy tưởng đã qua. 
Vậy mà cây sồi già của thuở hôm qua đã bước ra gặp cây sồi thành Troy của hôm nay còn vương chút mộng mị









Soái ca vòng quanh thế giới Hoài Vân




2 nhận xét:

  1. Thích đọc những gì bạn viết. Thấy có gì đó chung....

    Trả lờiXóa