Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Tây Tạng: Nỗi khát khao tâm linh của tuổi trưởng thành


Quốc kỳ Tibet

Càng tìm hiểu về Tây Tạng càng khát khao một lần được đặt chân đến chiêm bái xứ sở phi thường và lạnh giá. Càng tiếc nuối cho một nền văn hóa khác biệt, mê hoặc, hiền hòa nơi thủ đô Lhasa có cung điện Potala đang Hán hóa với lòng tiếc thương khôn nguôi.



Cũng thật là mâu thuẫn. Sống trong cuộc đời luôn ước ao được sống giữa người thân, bè bạn... tóm lại là chốn đông người, khi sống với chính mình thì lại chỉ muốn trầm ngâm tư lự một mình, càng xa lánh, yên tĩnh cách biệt tất cả càng tĩnh tại. Khi đấy ta chìm vào thế giới như xuất thần: Thiên nhiên trước mặt dù khô cằn sỏi đá hay tốt tươi thì đều được đan quyện với những suy tư trôi nổi lướt nhanh ở một trú sứ như trên không trung... Quá khứ, hiện tại đan lồng vào tâm trạng... Có khi chỉ là nằm dài hay ngồi trầm ngâm với ly trà, cà phê, hay rượu... Có khi chỉ yên lặng chìm vào những bản nhạc yêu thích...Theo mình đây chính là điểm phân biệt giữa con người và động vật. Con người luôn cần cô đơn và cô đơn.

Nhìn lại, mới thấy may mắn khi nhận thức được khái niệm Tổ Quốc, hiểu rõ Tổ Quốc là gì, có Tổ Quốc và có Quốc Tịch.
Cứ nghĩ về bà con Việt kiều của ta thấy còn may mắn. Con cháu lớn lên trên khắp các quốc gia trên thế giới đều vui vẻ với quốc tịch mới. Nếu muốn con cháu có thể có 2 quốc tịch cả quê cha đất tổ nữa.

Nghĩ về bè bạn là người Tây Tạng lưu vong sang Ấn Độ rồi từ trường của Đà Lai Lạt Ma đi khắp nơi trên thế giới họ không có quốc tịch - như cây không có rễ, mất tên cuội nguồn trên các giấy tờ quan trọng - một thứ gắn chặt trong cuộc đời. Đến khi có quốc tịch mới, trong lòng Tổ Quốc đã bị xóa bỏ chỉ còn tên là một "Khu tự trị". Thật xót xa là người Tây Tạng lưu vong, người Tây Tạng đang trên quê hương hiểu biết về cội nguồn của mình.

Migy, cậu bạn Tây Tạng lưu vong học từ trường của Đà Lai Lạt Ma kể rằng trong trường dạy rất nhiều về Việt Nam, về Hồ Chí Minh và sự nghiệp giải phóng dân tộc, về ý chí của một dân tộc nhỏ với chiều dài lịch sử giữ nước của Việt Nam. Cậu ấy bảo: Tây Tạng cần một người như Hồ Chí Minh.
Mẹ Migy mất sớm, mình cha cậu nuôi 4 anh chị em: Cậu và 3 em gái. Cậu sinh trưởng từ một tỉnh của Tây Tạng giáp Ấn Độ. Hai em gái và cậu đã vượt dãy Hymalaia để đến với Đà Lai Lạt Ma. Cậu bảo Ngài là cha, là mẹ của tất cả những người như cậu. Bây giờ thì tất cả đang ở Nepal. Một cô em gái kề cậu thì được chính quyền Tibet hiện tại cho đi học đại học và trưởng thành trong nền giáo dục này. Cứ nghĩ mà xem: Anh em cậu có bao giờ được gặp lại nhau không? Cách nay 2 năm, khi còn ở Ấn Độ, câu đã xuyên qua dãy Hymalaia về thăm bố và cô em còn ở Tây Tạng. Nếu bây giờ muốn, cậu cũng chỉ có con đường ấy về thăm gia đình bên sườn núi ấy vào mùa hè. Anh chị em cậu như những cánh chim di cư, không Tổ Quốc, tương lai mịt mù ở xứ Nepal mà hầu hết người dân đều nghèo khổ, lạc hậu.

Mình vô cùng yêu quí và kính trọng Đức Đà Lai Lạt Ma, nhưng nhiều lúc mình cứ nghĩ: Sự lưu vong của chính phủ của Ngài liệu có đúng đắn không khi bản thân ngài cũng chịu cảnh tha phương đau đáu về Tổ Quốc Tibet - nơi mà lãnh tụ tôn giáo cũng là lãnh tụ đất nước, một tôn giáo hiền hòa, lấy sự cao thượng, tu hành là lẽ sống của dân tộc. Người ta hay nói "Nghiệp lực của một đất nước", mình không hiểu lắm về điều này. Ngài có những hiểu biết cao siêu vượt khỏi những tư duy bình thường của mình, nhưng mình chắc chắn trái tim Ngài luôn hướng về Potala-Lhasa với niềm khắc khoải lớn lao nhất suốt cuộc đời.

Nếu không có Tổ Quốc, không có Quốc Tịch, mong rằng một ngày trong tương lai không xa lắm, xin chỉ là khái niệm trên thế giới này cho bất kỳ con người nào đang sống hay đã chết.

TIBET: CRY OF THE SNOW LION

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét