Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Vô cùng tiếc thương nhạc sĩ Hoàng Hiệp


Ngày hôm qua, 09/1/2013 nhạc sĩ Hoàng Hiệp - Nhớ về Hà Nội, đã đi về cõi vĩnh hằng. Nhạc sĩ đã được hưởng thọ 82 tuổi. 

Nói thật, mình không phải là người mà "Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về..." vì mình chả ở Hà Nội nhưng rất yêu những lời nhạc sĩ nói trong bài hát này. 

Từ lúc nghe tin nhạc sĩ mất, muốn "kể lể" ít nhiều mà không viết được. 
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp sinh ngày 01/10/1931 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang. Vậy mà "Nhớ về Hà Nội" "dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về..." là của Hoàng Hiệp. 

An Giang quả là vùng đất đặc biệt của Nam bộ, vừa là ruộng đồng màu mỡ ngút tầm mắt tận chân trời, vừa là vùng duy nhất có nhiều núi non lại sinh rất nhiều người tài xưa nay. 

Điều làm mình ngẩn ngơ nhất là lời của bài hát trên nền nhạc thiết tha. 

Ngày xưa nào biết Hoàng Hiệp quê ở An Giang mà cứ đinh ninh rằng nhạc sĩ sáng tác "Nhớ về ..." phải là sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Hoá ra người yêu, người bạn đời duy nhất của nhạc sĩ: diễn viên sân khấu con gái Hà Nội xưa: Diễm Lan! Quả là cái gì cũng có nguyên do của nó. 

Mới biết tình yêu của người nghệ sĩ làm nên những giai điệu lay động ngàn vạn con tim. Được biết NS Hoàng Hiệp tập kết ra Bắc năm 1954, năm 1975 ông đưa gia đình vào miền Nam. "Nhớ về Hà nội" được sáng tác 9 năm sau khi ông trở về miền Nam: Năm 1984. Đây cũng là năm mình tốt nghiệp trường y. 

Khi người ta lớn, thật hay vì có khả năng khái quát hay nắm bắt những thứ mà tuổi trẻ không thể tóm lược được. Âm nhạc còn làm được nhiều hơn thế với âm thanh và ca từ mà chỉ "trải nghiệm" để "ngộ" thấy những điều kỳ diệu không thể sờ mó, cầm nắm được ấy. 

Đấy là những gì mình cảm nhận được "Nhớ về Hà Nội" - đúng hơn là nhớ về miền Bắc những năm tháng quá trẻ- con trẻ mà 5X, 6X đều đã từng: 
"Nhớ những cơn mưa dài cuối đông, 
áo chăn chưa ấm thân mình". 


Rồi 
"Nhớ lúc bom rơi lửa chiến tranh, 
đất rung ngói tan gạch nát"... 


Và hạnh phúc của những người yêu nhau trong khói lửa chiến tranh ngày ấy làm cho ta phải mãi ngưỡng mộ, ước ao: 
"Em vẫn đạp xe ra phố 
Anh vẫn tìm âm thanh mới" 


Giá mà bây giờ ta và thế hệ thanh niên cũng có thể yêu, sống và ước mơ như thế này: 
"Bài hát đôi ta là khúc quân ca 
là ước mơ xa 
hướng lên Ba đình tràn niềm tin" 


Chiến tranh, khó khăn là thế, vậy mà, anh và em vẫn ngắm "phố thâm nghiêm rợp bóng cây", lắng nghe "tiếng ve ru những trưa hè" . Vẫn có "những công viên mới xây" mà "bước chân em đi chưa mòn lối". 

Nghĩ đến xây dựng, đến qui hoạch bây giờ cũng nghẹn ngào. 

Rồi đây nữa trong cảnh biển Đông, biên giới nay, ai mà chẳng nặng lòng với nước non, đâu riêng gì: 
"Thành cũ Thăng Long, hồn nước non thiêng, 
còn lắng đâu đây dấu xưa oai hùng, Hà Nội ơi". 


Thân thuộc và thương nhớ biết bao cành đào ngày tết, mà có lẽ muôn đời vẫn vậy. 
"Ôi nhớ chiều ba mươi Tết 
Chen giữa đào hoa tươi thắm 
Đường phố đông vui chờ đón tân niên 
Là phút thiêng liêng lắng nghe thơ Người "


Ai đã từng lớn lên ở miền Bắc không từng đợi nghe thơ chúc tết với giọng nói ấm lòng hàng triệu con tim của Bác Hồ đêm giao thừa. 

Nay, "Một thời hoà bình" đã 37 năm vậy mà mình vẫn chỉ muốn chìm vào tiếng vọng của một thời đã qua ! Mất mát quá lớn vì chiến tranh, còn mất nhiều giá trị vật thể và phi vật thể của văn hóa, truyền thống... vì những kẻ xấu, thời cơ, vô cảm mọc như nấm mùa xuân. 

Những ngày này của cuối năm Ta, đầu năm Tây, những sự kiện chính trị, xã hội càng làm khó cầm lòng nghĩ về "cái thần" của nhạc sĩ - của bài hát như đang vang lên trong lòng... 

Cảm ơn An Giang đã sinh ra Hoàng Hiệp, cảm ơn mối tình của ông dành cho cô gái Hà Nội xưa, Diễm Lan đã là nguồn cảm hứng cho bài ca say đắm, khắc khoải "Nhớ về Hà Nội" ra đời. 

Và hầu như là vậy, như "mây lang thang", mỗi mùa đông hàng năm, mình đều ra ngoài ấy, đi đến từng góc phố mình thích. Có đêm rất khuya, lạnh, chỉ đi dọc bên đường vắng, thỉnh thoảng nghe gió thổi những chiếc lá khô bay xào xạc trên mặt đường. 

Có năm ra Bắc chỉ vì ước được đón gió mùa Đông Bắc tràn về giá buốt trên má, hay được ngắm vườn hoa chân chim tím, những bông thược dược đỏ sậm sau một đêm phủ trắng một lớp sương giá, ruộng bắp cải, su lơ xanh tốt trong làn sương mờ buổi sáng mùa đông miền Bắc ... 

Thôi thì không có "ước mơ xa"; niềm tin cứu cánh ta đặt vào Trời Phật, thì những âm thanh cuộc sống như "Nhớ về..." mà được may mắn ban tặng đã là quí giá lắm trong cõi đời phù du đây. 

Cầu mong nhạc sĩ Hoàng Hiệp mau được siêu thoát hay tái sinh vào cõi nhạc sĩ mong đợi.


Hồng Nhung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét