Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

Áo xám

Ba Hồ văn Duyệt năm 1963










Trong buổi đầu kháng chiến chín năm ở Liên khu 5, bài tình ca “Quán bên đường” của Lê Trọng Nguyễn có câu:
Thương anh áo xám ra đi cứu nước bụi nặng vai đời
Mời anh Vệ quốc, tay bưng bát nước môi run mấp máy bao nhiêu nồng thắm

Vâng, anh áo xám là anh Vệ quốc quân, tên gọi bộ đội ta hồi đầu kháng chiến. Nhưng tạo sao lại gọi là anh áo xám? Đúng vậy mà cũng không đúng! Không đúng vì Vệ quốc quân ngày ấy số đông vẫn dùng áo quần màu xanh lá cây và tùy khả năng điều kiện từng nơi mà quân phục có các màu tiện cho việc cung cấp và chiến đấu. Còn nói đúng vì riêng ở Liên Khu 5 các anh Vệ quốc mang áo màu xám. Thế tại sao anh Vệ quốc quân ở Liên khu 5 lại mang áo màu xám?
Xin thong thả kể cho có đầu có đuôi.
Chín năm kháng chiến chống Pháp xâm lược, vùng tự do Loe6n khu 5 bị cô lập giữa vòng vây của quân đội Pháp. Ngoài sự  lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, mọi mặt Liên khu 5 phải tự cấp, tự túc. Làm theo lời Cụ Hồ: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, Liên khu 5 đã đứng vững, kháng chiến thắng lợi, và hình thành một cuộc sống hết sức giản dị. “Bài ca tự túc” nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Dương Minh Ninh sinh ra trong cái nôi Liên Khu 5 tại Quảng Ngãi.
Lúa khoai ta gắng trồng
Sườn non đến bờ sông
Áo ta chưa ấm lòng
Thay mía ta trồng bông
Thay mía ta trồng bông là gợi ý của lãnh đạo nhưng nhân dân Quảng Ngãi trồng bông mà không bỏ mía – cây đặc sản gắn bó của người dân Quảng Ngãi, Vùng nào cũng trồng bông vải, sắm xa kéo sợi, lúc rảnh rỗi, cả nhà, có khi cả khách đến chơi, vửa kéo sợi vửa trò chuyện, đã vui lại nên việc. Mỗi gia đình mấy lạng sợi góp thành hàng tấn sợi, rồi hàng nghìn khung cửi rải rác trong xóm làng, thị trấn, dệt nên vải dày vải mỏng, loại khổ chiếc, loại khổ đôi. Loại vải dày, bền, dệt sợi đôi gọi là vải xita dùng làm quân trang cho Vệ quốc. Vải xita chỉ đánh “Bà Tân” được vinh dự gửi ra Việt Bắc dâng tặng Cụ hồ.
Vải xita dùng cho Vệ quốc phải nhuộm cho mất màu trắng, màu nhuộm phải phù hợp với điều kiện chiến đầu mà thuốc nhuộm phải dễ tìm, đó là một loại than. Vải xita nhuộm than có màu xám tối, trong bóng đêm như loại vải tàng hình.
Nguồn gốc áo xám giản dị vậy thôi nhưng vì mỗi anh Vệ quốc mang màu áo ấy cũng đều thấy mình mang nặng nghĩa tình chăm chút của nhân dân, nên áo xám đã đi vào tình cảm của quân dân Liên khu 5.
Hành khúc “ Đường chiều” cũng của nhạc sĩ Dương Minh Ninh có hình ảnh một đoàn Vệ quốc quân trên đường từ mặt trận cề vùng tự do Liên khu 5, có nói đến màu áo xám:
“Miên man đường về cỏ hoa mừng ca chiến thắng.
Tiếng súng tan thu trập trùng đồi núi hoàng hôn
...Trùng trùng áo xám màu tô sông núi”.
Hình ảnh màu áo xám trong đội ngũ đều bước kiên cường như đoàn quân tạc nên từ đá núi. Áo xám không những là hình ảnh của sự gian khổ hy sinh mà còn là hình ảnh thân thiết trong mỗi gia đình kháng chiến. Vệ quốc quân ở nhà dân, gánh nước, quét nhà, chăm sóc em bé, cụ già, giúp đỡ việc dọn vườn, bàn bạc việc nhà cửa như con em trong nhà. Áo xám một thời là hình tượng vừa hào hùng vừa thân thương ở Liên khu 5. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thời kháng chiến chín năm sống ở sông Vệ đã thể hiện hình tượng này trong bài ca xúc động “Đoàn Vệ quốc quân”.
Quảng Ngãi được bạn bè các miền gọi là Thủ đô Kháng chiến (chín năm) ở miền Nam Trung bộ, chỉ một màu áo Vệ quốc đã chan chứa bao tình.

HỒ VĂN DUYỆT





1 nhận xét: