Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Về thăm chiến trường xưa, căn cứ Tân Lâm - Camp Carroll, Quảng Trị




Kính tặng tất cả những con người đã, đang và sẽ vẫn bị cuộc chiến tranh Việt Nam, đau thương nhất là Quảng Trị ám ảnh. Nam Bắc tương tàn vì ý thức hệ của loài người, vì nhận thức không thông minh của một nhóm người. 

Tôi khóc thương gia đình và dân tộc hết kiếp này

Lần đầu thực hiện chuyến đi thăm, tính suốt thời hậu chiến Việt Nam tính từ 1972, đến nay đúng 40 năm trận đánh ở Quảng Trị của ba Hồ Văn Duyệt (đại úy pháo binh lúc đó)  bên binh chủng pháo binh với bên lính Việt Nam Công Hòa do trung tá Phạm Văn Đính chỉ huy. Lần tìm tư liệu lịch sử cả hai bên đối phương để có được một số nhân chứng, tư liệu.
Về đến nhà tối qua lúc 11 giờ đêm.


Tượng đài kỷ niệm chiến thắng Carroll ngày 04-3-1972

Suốt cả chuyến đi, người như phát ốm về những gì mắt thấy tai nghe trên suốt hành trình. Thực ra thì sau suốt thời gian tìm đọc tài liệu về cuộc chiến Quảng trị 1972 trên mạng đã bị chấn động. Tim óc đau đớn bải hỏa vì sự khốc liệt, chết chóc. Xem bản đồ thì địa danh nào cũng có dòng chữ bên dưới "Destroyed" (đã bị phá hủy). Trước ngày đi may mắn tìm thấy trên mạng internet một tấm hình của ba đang đón tiếp đồi phương đầu hàng, được ai đó chụp lại từ một quyển sách không rõ xuất bản ở đâu. Dáng người ba vẫn như lúc nào cũng vậy: Cao, gầy guộc, đầu đội mũ tai bèo làm lòng nhói đau. Cả sự may mắn sao ba còn sống xót trở về từ cái chiến trường giống như nhà văn Bảo Ninh viết trong "Nỗi buồn chiến tranh" rằng: "Trông hoang vu thế thôi chứ dưới đất kia người nằm đã đông chật cả rồi".

Lộ trình chuyến đi từ nhà ra Đồng Hới để bắt đầu theo đường Hồ Chí Minh vào Nam. Quãng đường đi qua cung đường 20, nơi có miếu thờ "Hang Tám Cô" và đền thờ những người lính và thanh niên xung phong "Đường 20 quyết thắng". Nơi nay cũng có 5 bộ đội pháo binh hy sinh. Con đường xuyên qua những vùng núi non hiểm trở, núi rừng thâm u mà sau 40 năm chiến tranh như vẫn đang ôm giữ nín chặt  điều gì đó, ôm trong lòng mà chưa muốn mở lòng với hậu thế. Những việc linh thiêng xảy ra đã làm mình cảm nhận những điều u uất... Mình như bị đặt lên hai vai một gánh nặng quá sức. Đến giờ gánh nặng vẫn chưa được đặt xuống.

Xưa kia thời sinh viên tuổi 20 mình đã từng tham gia cả tháng đào kênh ở Triệu Phong. Ngày ấy cát trắng, nắng bỏng... Nay cả Quảng Trị đã phủ một màu xanh bạt ngàn. Người Quảng Trị thật cần cù, chịu khó. Ra đúng mùa xuân, gặp một loại hoa dại nhỏ màu trắng nở tràn khắp nơi. Hoa xoan, hoa cây bơ nở bát ngát, đẹp nhất là ở nông trường Tân Lâm nơi có Camp Carroll ... đẹp nao lòng.

Dẫu sao cũng phải viết ra mấy lời đầu tiên, những lời dành cho ba, với lòng yêu thương tràn ngập nỗi buồn về cuộc chiến tranh mà ba đã trải qua và còn sống trở về với gia đình. Một phần tri ân những người lính miền Bắc đã chiến đấu nơi chiến trường Quảng Trị.

Và cùng tấm lòng thương xót ngập tràn tim óc,  lồng ngực như bị đá tảng đang đè nặng và nghẹn nuốt nước mắt cho những người lính cả 2 bên chiến tuyến chết thảm khốc trên chiến trường Quảng Trị. Cầu mong các anh chị đã được siêu thoát và sẽ sớm siêu thoát, được giải thoát hay tái sinh nơi an lành, hạnh phúc.

Ngọc Lan, cô bạn thân nhất thời Y Huế là bác sĩ vi trùng học đang làm việc tại Trung Tâm Y tế Dự phòng Đông Hà Quảng Trị đã từng ngang dọc chống dịch nơi này, đưa đi thăm mọi địa điểm theo bản đồ các cứ điểm của cả hai phía sưu tập được trên mạng. Thị trấn Cam Lộ là quê chồng của cô.

Theo Đường 9 hay đường AH16 xuyên Á lên thị trấn Cam Lộ là con đường rất đẹp. Đầu tiên là ghé điểm bảo tàng vị trí ký hiệp định hòa bình 1972 của Chính phủ cách mạng Lâm thời Việt nam. Rồi gặp biển báo "Căn cứ 241 (Carroll)", rẽ trái lên vùng đồi nay thuộc nông trường Tân Lâm. Trước khi lên Carroll,  chạy thẳng tiếp khoảng 1 cây số thăm cầu Đầu Mầu  rồi mới trở lại lên đồi có căn cứ 241.

Dừng ngắm nhìn chiếc cầu có tên là Đầu Mầu bắc qua con suối La la (mà mình đã biết từ hồi nhỏ qua bài hát). Một căn cứ hỏa lực của VNCH theo ba viết thì đã bị thất thủ lấy tên theo tên chiếc cầu này. Căn cứ bị xóa sổ trước trận đánh - đầu hàng của căn cứ 241-Camp Carroll (căn cứ Tân Lâm theo cách gọi của Bắc Việt Nam). Chiếc cầu chắc là được xây từ thời Pháp nếu nhìn vào lối kiến trúc. Nhìn chiếc cầu mình nghĩ đến những chiếc cầu trên các ngọn núi Thụy sĩ, trên con đường tàu hỏa từ Lausanne đến núi Zematt. Kiểu kiến trúc vòm vững chắc nhất về sức chịu lực. Lạ là vị kỹ sư Pháp xây nó như một tác phẩm nghệ thuật mà đứng ngắm nhìn vẻ đẹp của cây cầu đầy vết đạn như hút hồn. Nó vẫn tồn tại đấy sau những trận đánh. Cầu Đầu Mầu thật là có lý do tồn tại.

Những thổn thức còn tràn ngập nỗi lòng sau chuyến đi về. Như mới trải qua một trận ốm nặng, chưa thể viết được. Vài lời cho vơi bớt con tim khốn khổ.

Ba: Hồ Văn Duyệt bắt tay hàng binh trung đoàn 56 VNCH từ căn cứ 241- Camp Carroll,
Quảng Trị ngày 2 tháng 4
năm 1972






Suối La La, làng Chanh, xã Tân Kim, huyện Cam Lộ

Bước trên cầu Đầu Mầu hôm nay thăm lại chiến trường tàn khốc xưa,
thay cho ba đã già yếu không còn bị "nỗi buồn chiến tranh" ám ảnh nữa






















Hoa rau tàu bay


Rau tàu bay rất thơm


12 nhận xét:

  1. MỘT BÀI BÀI VIẾT THẤM ĐẬM TÌNH NGƯỜI - VÀ TÔI TIN CHẮC MÌNH CÓ THỂ GỌI HỒNG NHUNG LÀ CỐ GÁI BÉ NHỎ ... VÌ HỒ ẤY TÔI CŨNG CÓ MẶT Ở MẶT TRẬN B5 NÀY(Ăn cơm bờ Bắc đành giặc bờ Nam) ... TÔI CŨNG LÀ LÍNH PHÁO BINH VÀ TÔI LÀ LÍNH TRINH SÁT KHÍ TƯỢNG PHÁO BINH NÊN MỌI ĐIỀU HÔNG NHUNG VIẾT TÔI CẢM NHẬN ĐƯỢC RẤT NHIỀU CHÚC NHỮNG NGƯỜI CON CỦA LÍNH " HIỂU MÃI MỖI TẤC ĐẤT ĐỀU CÓ MÁU THỊT CỦA CON DZÂN VIỆT CẦN NHIỀU TẤM LÒNG CÔNG ĐỨC CÙA MỌI NGƯỜI CHO TẤT CẢ DÙ Ờ BẾN NÀY HAY BÊN KIA Họ là NHƯNG HƯƠNG HỒN VIỆT CẦN THẮP MỘT NÉN NHANG!hay một bó hoa ..dù là nhưng bông hoa rau tàu bat-rau lạc tiên ,cải trời

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mấy hôm nay HN đi tìm cây cải trời, ít người xung quanh biết cây Cải trời. HN sẽ làm "một phóng sự ảnh" về rau Tàu bay - Lạc Tiên- Cải trời. HN biết rõ về 2 loại rau kia, còn chưa biết cải trời. Nếu anh vào đọc bài nhắc tin nhé. HN

      Xóa
    2. Chào bạn! Mình hơn bạn hoặc bằng tuổi.Mình sống 7 năm ở Tân Lâm ở ấp chiến lược Ngụy,nhưng không phải ngụy đâu nghe, cách mạng ấy.Xin tự giới thiệu phóng viên nhà báo tuổi thơ chiến trường, hàng ngày coi máy bay thả bom và đánh trận vui ghê!!! Thích đồng cảnh, mình có nhiều bài thơ về Đầu Mầu,la la (mình gọi suối Lá)... Muốn giao lưu cùng bạn
      Vì quê cũ của mình

      Xóa
  2. @hchi47: Một giai đoạn đau thương qua 40 năm - liên quan đến 3 thế hệ: Cha-Con-Cháu là rất ngắn về lịch sử. Nhưng để đối diện, trải qua cùng nó suốt cuộc đời thì với thế hệ Cha-Con là gần như cả hai thế hệ.
    Một số Cựu Chiến Binh (CCB) nói rằng phải "chấp nhận" lịch sử ấy, HN không nghĩ vậy: Chỉ "Ghi nhận" nó đã xảy ra như thế. Rồi đi tìm, ngược lại những tư liệu lịch sử có được để suy nghĩ...
    Cứ mỗi lần nhớ lại những hình ảnh, bài viết về quãng thời gian ấy là HN lại chóng mặt, nôn nao.
    Có nhiều điều HN chưa viết ra được, có lẽ là chưa đúng lúc.
    Trên hết HN thấy thật quá may mắn cho những người lính từ chiến trường QT trở về.
    Thương xót cho những cuộc đời bỗng nhiên bị hủy diệt, đặc biệt tới những thanh niên còn quá trẻ (nghĩ đến con mình bây giờ).
    Vùng đất QT là "vùng đất dữ".
    HN cũng thấy lạ là không có trang web riêng nào do ai đó thuộc Binh chủng pháo binh lập riêng ra.
    Và, HN cảm ơn anh hiểu và chia xẻ, một phần là viết cho mình cảm thấy nhiều tiếc nuối đã không làm được nhiều việc cần thiết...
    Chúc anh và gia đính luôn được mạnh khỏe bình an. HN

    Trả lờiXóa
  3. Tôi là Nguyễn Quí Hải nguyên là giáo viên ở trường sỹ quan pháo binh, trong chiến dịch tiến công 1972, tôi là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2, e 38. Tôi có biết anh Hồ Văn Duyệt. Trong bài viết của anh Hồ Văn Duyêt đăng trên báo an ninh có hai điểm sai cơ bản, làm cho anh Thông trung đòan phó và các chiến sỹ trung đoàn 38 không hài lòng. Thư nhất, anh Hồ văn Duyệt khi đó chỉ là phái viên đi theo dõi đơn vị. Về nguyên tắc anh không thể được phép thực hiện kế hoạch hỏa lực. Anh Thông đi vắng đã có chủ nhiệm trinh sát thay, và anh Thông cho biết khi Pham văn Đính liên lạc xin gặp Bông Lau thì anh Thông đã về đài. Bởi vì anh chỉ sang đài chỉ huy của sư đoàn 304 ngay gần đó chứ không phải về sở chỉ huy sư đoàn ở rất xa. Anh Thông cầm máy nói với Đính và sau đó chuyển về sở chỉ huy để anh Cao sơn trung đoàn trưởng trực tiếp nói với Đính. Anh Thông cung không có quyền quyết định vấn đề này. Làm gì có chuyện sư đoàn trao nhiệm vụ cho một người không trong biên chế chỉ huy. Còn trong bức ảnh anh Hồ Văn Duyệt bắt tay, thì đó là sau khi hàng binh đã về tập kết phía sau, ai bắt tay để kỷ niệm phút chiến thắng chẳng được. Anh Hồ văn Duyệt và báo an ninh thế giới cần trung thực với lịch sử.
    Quí Hải

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi là Hồ Thị Hồng Nhung, 51 tuổi là con của ba Hồ Văn Duyệt.
      Trước đây tôi đã đọc bài viết của chú Nguyễn Quí Hải trong haiduongblog và trích đăng lại trong blog này ở bài: http://hothihongnhungdr.blogspot.com/2012/01/nguoi-trung-ta-quan-oi-sai-gon-phan.html. chắc chú cxhu7a có thời gian đọc nên "còm" ở bài này.
      Thực ra, tôi cũng mong chú có thể quan tâm vì trên báo QĐND đã đăng lại bài của chú hồi đầu tháng tư và tôi đã gửi nguyên văn bài viết của ba tôi cho báo (2 lần) mà tới nay cũng không thấy hồi âm gì.
      Cả bài viết nguyên vẹn của ba tôi đăng trên tạp chí Khoa học lịch sử "Xưa và Nay" mà họ gửi tặng ba vẵn còn từ năm 2004.

      Hẳn là chú Nguyễn Quí Hải cũng đã viết câu chuyện do ông Thông kể và chú viết trong blog là Ghi theo lời kể của chú Cao Sơn.
      Tôi đã được ba kể và năm 2004 ông đã ngồi ở thư viện Nha trang nhờ đánh vi tính gửi bài viết cho tạp chí sau khi đọc những thông tin sai lệch trên báo thời gian đó.
      Khi tôi đọc trên haiduongblog, tôi có "còm" một câu trong tình trạng bị choáng khi không hể thấy ba mình mà lại là người mà ba không bao giờ nhắc tên đầy đủ mà chỉ là T hoặc Th. Ba còn nói rõ "còn con cái họ khi đọc về sự kiện này".
      Tôi đã đi tìm các chứng nhân trong trận đánh ấy là anh Học "trinh sát "kế toàn pháo binh " như lời anh ấy nói anh ấy cũng mới đi thăm Quảng Trị về và anh ghi nhận những gì ba tôi viết là trung thực. Anh Học hiện nay đang sửa nhà, anh bảo sẽ viết lại sau khi nhà sửa xong và có một góc cho mình. Còn anh điện báo viên vô tuyến điện là người trực tiếp nối máy cho ba tôi và cấp trên chú có biết tên là gì và quê quán ở đâu không?
      Mặt khác, bây giờ là một nhà báo chuyên nghiệp, chú hẳn thấy nhàng loại chi tiết bài ba tôi viết không thể là bịa đặt. Còn nhiều chi tiết riêng tư ba tôi và ông Đính nói chuyện sau tôi sẽ chưa kể cho chú nghe.
      Từ năm 1978 khi tôi đậu đại học y Huế, ba tôi đã kể câu chuyện này với tôi, ra đấy tôi biết ông Đính làm ở sở thể dục thể thao và có cậu con trai lớn chơi với bạn thân của tôi cùng học y Huế và hơn cô ấy 2 tuổi.
      Ba tôi là người nhìn xa trông rộng, trung thực và không màng đến bất cứ sự tiếng tăm nào. Một lần nhân lúc thượng thọ ba 70 tuổi, mẹ tôi lấy những cuống huân chương gắn lên bộ vét cụ mặc, ba tôi đã không bằng lòng và bảo, gia đình không phải sân khấu.
      Chú đã quá hàm hồ khi nói ba tôi chụp hình ở khu vực tập kết để kỷ niệm ai muốn chụp thì chụp. Có lẽ chú có thể thích như vậy, nhưng đó không phải nhân cách của ba tôi. Chưa kể ba tôi lúc đó đã 42 tuổi, ở nhà đã có 5 đứa con và đứa thứ 6 sẽ sinh vào tháng 8 lúc ba vẫn còn trong chiến trường Quảng Trị.

      Chú là người cầm bút, chữ "trung thực" tôi đã biết từ bé dù bài thơ của Trần Dần bị cấm, chú có trung thực khi nghĩ mình là người duy nhất biết rõ và đã phản ánh trung thực một sự kiện lịch sử mà giúp cho hàng nghìn gia đình cả hai phía không bị mất con, mất chồng, mất cha ấy không.

      Tôi nghĩ cuộc chiến của dân tộc mất mát quá lớn lao. Có thể tôi đàn bà không thấy hết được sự vẻ vang, hào hùng, nhưng lúc nào tôi cũng rất biết ơn ba đã được trở về và gia đình sum họp thực sự là năm 1987 ba là chủ nhiệm pháo binh mặt trận 579 bên Campuchia.

      Xóa
  4. Gửi MAI LE,

    Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc và chia xẻ tình cảm phẫn nộ của mình.

    Nỗi đau thương không thể đong đếm của cuộc chiến Việt Nam và Mỹ sẽ có những kẻ lịch sử kết tội họ tham gia vào và gây ra thảm cảnh lớn này.

    Mình nghĩ mỗi cá nhân chỉ có thể cố gắng sống lương thiện, đóng góp cho cộng đồng theo khả năng những điều đúng đắn tốt đẹp hơn cho cuộc sống đang còn chịu quá nghèo khổ, nhiều bất công của người Việt Nam ta, những con người Việt cần cù, giỏi giang rất không đáng chịu vậy.

    Phán xét, hằn thù riêng chỉ làm cái "đuôi" cuộc chiến ấy tiếp tục tàn phá người Việt với nhau thôi.

    Mình và quá nhiều người vẫn rất đau buồn không nguôi. Nỗi đau này là nỗ lực để mình đã và đang làm những việc tuy còn nhỏ bé nhưng là niềm vui lớn của mình và có ích cho cộng đồng mình đang sống cùng MAI LE ạ.

    Chúc bạn được an vui

    Thân ái.

    Trả lờiXóa
  5. nho ba Co Hong Nhung danh cho nguoi mien nam chet, manh dat con lai la noi cuu mien bac khoi su thong tri cua Trung Cong, nen bay gio va sau nay ca Vietnam se la lanh tho Trung Quoc

    Trả lờiXóa
  6. Nếu như ngày xưa, người Việt tị nạn lìa xa quê, nhớ từng chiếc lá me, từng cành phượng vĩ, thương từng viên ngói vỡ, bóng con chim se sẻ trước hiên nhà; thì ngày nay, người giàu cũng như nghèo, ngay cả con cái các quan chức nằm trong bộ máy chính quyền cũng tìm mọi cách để rời bỏ đất nước, ra đi không cần ngoái đầu nhìn lại.
    Trong cuộc họp tại văn phòng Quốc hội ngày 29 tháng 12 vừa qua, bàn về tình trạng các du học sinh cấp phổ thông trung học và đại học sau khi tốt nghiệp không trở về; Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đã nhìn nhận với các đại biểu Quốc hội rằng: "Tôi nghĩ con em nhiều người ngồi ở đây cũng không về. Cá nhân gia đình tôi cũng vậy, 2 đứa không về.”

    Trả lờiXóa
  7. Cháu chào cô , cô có bản đồ khu vực thị xã Hương Thủy , huyện phú lộc - tỉnh thừa thiên huế không ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cô chỉ tìm các vùng của Quảng trị, không tìm các vùng Thừa Thiến Huế

      Xóa
  8. Tân Lâm là khu ấp chiến lược tôi dân Gio Linh Cửa Tùng lên đó ở. Ngày 2/4/1972. Tôi còn ở đó cùng với bộ đội đi bắt tàn binh ở Ca Rôn .Rất nhiều kỷ niệm ở đó (lúc đó tôi mười hai tuổi). hẹn ngày trở lại ở đó

    Trả lờiXóa