Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Trò chơi đố lá

Bài viết của ba Hồ Văn Duyệt đăng trên Tạp chí Cẩm Thành, Quảng Ngãi


Vào kỳ nghỉ hè của trẻ con rồi.
Không biết trẻ con bây giờ còn chơi trò đố lá nữa không. Biết chơi trò này là biết rất nhiều loài cây cỏ hoa lá. Từ biết đến yêu cây cỏ thiên nhiên - yêu môi trường theo cách nói ngày nay chẳng xa gì.  Cây cỏ, hoa lá lúc nào cũng đẹp, nhìn chúng lúc nào cũng dễ chịu. Chúng chỉ yên lặng, có chăng cũng chỉ xào xạc khi ta muốn hỏi chúng điều gì...


"Gặp tuần đố lá thỏa lòng tìm hoa"
Câu thơ Kiều cho thấy trò chơi "Đố lá" có đã lâu. Đố lá ắt hẳn là tiết mục chính trong một lễ hội lớn của cư dân trồng trọt ngày xưa. Cả một tuần đố lá chứ không chỉ là một trò chơi trẻ con của một thời cách đây không xa. Ấy là theo chữ nghĩa của câu Kiều mà luận ra như vậy, chứ không biết nguồn gốc trò chơi đố lá từ đâu, xuất hiện lúc nào. Lúc nhỏ tôi đã biết chơi đố lá với anh chị em và bạn bè. Tiếc cho các cháu nhỏ ở thôn quê ngày nay không biết trò chơi đó.

Sáng sớm, khi ông bà cha mẹ đã ra đồng, nắng vàng xuyên những tia rực rỡ qua bờ tre làm long lanh những lưới nhện đọng sương trên mặt cỏ, cũng là lúc lũ trẻ con chúng tôi tụ tập lại chơi trò đố lá.

Từng cặp chọn chơi với nhau xong, chúng tôi chia đi các ngả. Tha thẩn đến các bụi bờ, thu góp các thứ lá và bị lôi cuốn theo các thú vui lang thang dọc đường.
Đồng quê có nhiều quả trái hoang dã ăn được và đồ chơi thiên nhiên suốt bốn mùa. Mùa nào cũng có hoa quả ngũ sắc rực rỡ khắp bụi bờ, và lúc nào cũng có vài đôi bươm bướm chập chờn hút mật. Dưới tàng hoa thấp thoáng những chùm quả mỗi sáng chín đen bóng.
Mùa nào thức ấy.
Mùa xuân đi hái trái móc, trái trâm, những "mâm xôi" vun đầy đỏ ối. Mùa này là mùa chơi bị rầy, cánh cam. Trên các cây chu biên phải nhìn cho kỹ những chú cánh cam xanh biếc đã về, và cũng phải nhìn cho kỹ có rắn trong bụi đấy. Chùm chày, mũ dẻ chín hương bay thơm ngọt cả chiều hè, tiếng veve không biết cất lên từ lúc nào, tới lúc trâu bò về chuồng vẫn còn ra rả. Duối chín vàng là mùa thu đã về, hoa xương rồng lấm tấm khắp nơi, mùa thu thêm vàng màu thương nhớ khi đã lớn lên đi học xa quê. Sau này đi kháng chiến nhớ nhà nhất là về mùa đông, mưa dầm gió bấc, bồi hồi nhớ đến cờ mía bạc phau nơi đồng đất quê hương. Mùa đông lũ trẻ chúng tôi đi tìm nấm mối và vạch ngọn mía già rút đọt lau (đọt lau - hoa mía ăn vừa dòn vừa ngọt, có phấn đen dính đầy mồm như bọi lọ!).

Khi đã chán chê các loại đặc sản không tốn tiền của đồng quê, miệng đứa nào cũng lem luốc và túi lá đã nhiều, chúng tôi tụ về một chỗ để so lá. Các cặp ngồi lại với nha, một đứa đưa ra một chiếc lá, nói tên cây. Không biết tên cây, nói sai tên cây, chiếc lá đó không được tính. Đứa kia có cùng loại thì đưa ra, nếu không có thì thua một. Hai đứa thay nhau lần lượt đưa lá ra so. Khi hết lá ai nhiều hơn thì thắng. Bên thắng được cõng hoặc được búng tai, gõ đầu gối bên thua vài cái.

Đố lá có thể chơi từng cặp hoặc chia thành hai phe, mỗi phe không đông quá, khó kiểm lá. Thời trước quê Mộ Đức tôi còn những vạt rừng hoang, thực vật rất phong phú. Chơi đố lá giúp tôi biết được nhiều loại cây cỏ quê hương, biết những cây hoang dại, quả ăn được, lá ăn được, có thể làm thuốc rất có ích cho tôi trong thời gian kháng chiến ở rừng.

Ngày nay các cháu nhỏ có nhiều đồ chơi và cho chơi công nghiệp hiện đại hấp dẫn, có lo75o cho việc thích nghi dần với cuộc sống công nghiệp. Tuy nhiên say mê quá (các trò chơi điện tử) cũng có hại cho sức khỏe, xao lãng việc học hành và bị cách ly khỏi thiên nhiên. Một số không nhỏ các loại đồ chơi, trò chơi khai thác tính hiếu kỳ của trẻ con để trục lợi, gây sùng bái bạo lực, sùng bái vũ khí, làm nghèo nàn lòng nhân ái vốn có của trẻ con.
Rất đông các cháu, nhất là ở nông thôn, vùng cao, vùng xa, cha mẹ lo ăn, lo mặc , lo học hành cho con đã quá khó khăn rồi nói gì đến đồ chơi đắt tiền. Vì vậy, khai thác, phục hồi những trò chơi dân gian, ví như trò chơi đố lá chẳng hạn, không tốn kém mà còn bổ ích. Các tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo, trường cấp 1, 2 ở nông thôn, trong các sinh hao5t ngoài trời nên hướng dẫn, tổ chức trò chơi đố lá, chắc các cháu sẽ ham thích và sẽ truyền lại cho lứa nhỏ hơn. Các anh chị phụ trách ngày nay có trình độ tổ chức sinh hoạt đội rất giỏi, nếu các anh chị muốn khai thác trò chơi dân gian này hẳn anh chị có rất nhiều sáng kiến để tổ chức các em chơi cho hà hứng và thành công. Chẳng hạn tùy theo lứa tuổi hoặc chương trình học ở trường mà đề ra yêu cầu thi đố cho từng đối tượng. Các cháu lớn một chút, khi đưa ra một chiếc lá thì ngoài tên cây, còn phải nói thêm một hai yếu tố nó, ví dụ hoa nó thế nào, quả nó thế nào, có dùng làm gì được không... các em đã học thực vật thì có yêu cầu cao hơn theo nội dung đã học về thực vật sẽ hứng thú hơn. Nếu tổ chức thành cuộc thi có đấu loại, có bán kết, chung kết và có giải thưởng nho nhỏ thì càng thêm phân sôi nổi.

Thiết nghĩ phục hồi và khai thác các trò chơi dân gian, cái chính ở đây là góp phần giữ gìn tâm hồn Việt Nam cho con trẻ.

Hình vẽ minh họa - Hồ Văn Duyệt
--------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét