Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

Thiền viện Viên Không (2)


Thực sự sau khi lên Rừng thiền Viên Không trở về, rất mong và tìm cơ hội tốt để trở lại.

Con gái nói "nơi có các vị thiền sư thiền định có giới hạnh trong sạch, thu thúc lục căn, chứng đắc được các bậc thiền, đạo quả làm cho vùng ấy có nhiều oai lực cho nên khiến cho mọi người đến đây cảm thấy rất hoan hỷ và yên bình".
Mình cũng chưa hiểu lắm về những điều ấy, dù vậy, sau khi từ Rừng thiền về, nhiều lúc có mơ hồ mình như vừa trở về từ vùng núi tu thiền giống trong sách kiếm hiệp xưa.
Có lẽ là phụ nữ nên cảm nhận rừng thiền vừa đẹp, vừa tôn nghiêm lại rất êm đềm thân quen. Cũng rất sợ nếu nghĩ ban đêm mà ở các cốc nhỏ ấy, chỉ đủ thuận tiện tối thiếu, nằm rải rác trong đêm rừng sâu thẳm, một vài cốc thì có phần gần gũi nhau, nhiều cốc nằm hẻo lánh khuất sâu dưới rừng cây mịt mùng, cái thì nép bên vách núi ngay bên những khối đá tròn chênh vênh bên vực sâu trên núi thì quả thật ngoài khả năng muốn trải nghiệm của mình. Con gái nói trong mười mấy cái cốc trên Viên Không, có một cốc số ... gần Bồ Đề Phật Cảnh nằm cheo leo ở lưng chừng núi có Phi Nhân ở, ít vị tu sĩ nào trụ được vì bị hay bị "nhát" mỗi khi đêm về. Nhiều vị đến ở cố lắm được vài ngày, rồi cũng phải chuyển sang cốc khác. Cho đến nay thì những "giai thoại" về cốc số ... vẫn hay được "lưu truyền" ở nơi đây.

Cuối năm khí hậu trên núi về đêm đủ lạnh để các hoạt động "co" lại, không thoải mái, vội vàng như lúc trời nóng.
Bước chân vừa thanh thản, chậm rãi, vừa gắng nhẹ nhàng hơn để tránh làm động không khí "thiền".
Thấp thoáng bóng một hay hai vị sư lẫn trong rừng cây.
Như cả đất nước, rừng thiền vẫn đang phát triển hạ tầng cơ sở giúp các thiền sinh đến có trú xứ thuận lợi cho việc tu tập, học đạo. Chư tăng, phật tử đều sắn tay, góp công của... Chưa thấy nơi đâu mà cảm giác của tiền quyên góp lại minh bạch và dùng đúng đắn như nơi đây.

TÙY DUYÊN

Bổn Sư Viên Không thường nói vậy.

Trước khi đến thiền viện, thực lòng trong tâm tưởng chỉ hướng đến hai điều: Một là đến thăm cửa Phật, hai là núi non, thiên nhiên là đam mê suốt cuộc đời của mình. Con gái rõ ràng là hiểu mẹ. Nó nói đơn giản: Con nghĩ là mẹ sẽ thích nơi này. Thật ra thì còn hơn thế rất nhiều.

Đón đợi trăng rằm tháng chạp. Một vầng sáng bên kia núi Dinh từ từ bừng sáng lên. Rừng Thiền nằm mé núi Tây nên chỉ thấy trăng lúc đã lên cao tròn vạnh trên trời soi tỏ núi, vườn, sân và chánh điện trong tầm nhìn.

Hôm ấy có một thiền sư trẻ từ một cốc riêng trên cao lưng chừng núi sang Rừng thiền. Cùng vị ấy vãng cảnh chùa và nói về ý định phát triển một thiền viện khác của sư trên vùng đất hiến tặng khác cách nơi này không xa dưới chân núi Dinh. Cảm giác an lành tuyệt đối nơi thanh tịnh này là hạnh phúc khó tìm. Lúc ngồi bên mái hiên chánh điện, một thiền sinh mới từ Sài Gòn lên đến chánh điện đảnh lễ Phật và đảnh lễ sư. Sống đời thường, được thấy sự cung kính hết mực của thiền sinh trẻ làm khởi lên niềm hy vọng vào con người quanh mình, phá tan nỗi u hoài, trầm uẩn bấy lâu về một xã hội giả dối, bất công, nhỏ nhen từng sống và vẫn đang ngụp lặn trong ấy.

Trăng sáng lắm, cảnh vật trong lành thanh tịnh lắm. Nhắm mắt để giữ lại sâu hơn cảm giác thọ nhận niềm vui an nhiên trong đêm sâu thẳm của núi rừng.
Trên những lối nhỏ lát đá quanh co trong khuôn viên thiền viện, những bông hoa vẫn sáng trong đêm, cành lá rung rinh nhè nhẹ, nhớ đến con gái nói rằng nơi đây có nhiều vị Chư Thiên cùng các hàng Phi Nhân đến nghe giảng Pháp. Biết bao kiếp người ra đi trong cô độc, khắc khoải. Lòng nhớ đến cậu Lạng, em ruột của mẹ là liệt sĩ, giấy báo hy sinh vào tháng 8 năm 1972, một đồng đội của cậu là thương binh bị hỏng mắt giải ngũ về nhà năm ấy kể lại rằng cậu đang ở chiến trường Bà Rịa-Vũng Tàu. Cậu thuộc binh chủng bộ binh, có thể nào cậu đã mất trong một bệnh viện dã chiến trong núi Dinh này?
Bước lên cội si lớn, nơi Tôn tượng Phật bằng đá trắng đang an tọa thầm khấn cậu Lạng. Cậu hy sinh khi còn trẻ, chưa có gia đình. Các bác và cậu bên bà ngoại ngoài Bắc nghèo nên chưa ai đi tìm mộ cậu lần nào mà chỉ thờ và cúng vào ngày giấy báo tử ghi. Cũng đã vào Google thử gõ "bệnh viện dã chiến của bộ đội núi Dinh, Bà Rịa" mà không thấy có ghi chép nào.

Trên Bồ Đề Phật Cảnh có một hang đá, con gái nói các sư bảo là nơi đây là một bệnh viện dã chiến của bộ đội khi xưa, nhiều người chết lắm. Hang đá này là trú xứ của một vị sư của thiền viện, tu tập ba năm khi Rừng Thiền Viên Không thuở "khai hoang lập địa", mới nhận đất để trồng rừng, rồi qui hoạch, phát triển hơn chục năm về trước. Hang đá nay đã được xây sửa, đặt Tôn tượng Phật Tổ lúc còn tu khổ hạnh dưới vòm đá tự nhiên trong hang. Có một giới hạn với thiền sinh, chỉ các sư mới vào hang thọ lễ. Vốn nhát nên cũng đứng ngoài xa hướng vào hang, rồi nhìn xuống một hẻm đá sâu bên dưới. Có lẽ vào lúc mưa rừng chỗ này nước sẽ xối xả đổ xuống. Rồi nghĩ đến bộ đội, thương binh... rồi nghĩ đến những người đã không qua được vết thương nặng... Nghe bảo đêm Bồ Đề Phật Cảnh lạnh lắm. Ngay lúc chiều tà đã ít người đi lên. Chỉ có vị xuất gia đầy đủ oai lực phẩm hạnh có thể ở trong hang đá trên lưng chừng non cao này.
Mọi sáng sớm sư cao tăng nhất rừng thiền là ngài Hộ Pháp lên Bồ Đề Phật Cảnh hành thiền và tụng kinh.
Bồ Đề Phật Cảnh cũng là nơi tiến hành mọi lễ nghi thiêng liêng của Phật giáo nguyên thủy - Nam tông.
Lần đầu được nghe tiếng kinh Pali hay đến rung động từ giọng tụng của ngài Hộ Pháp, Ngài đã 75 tuổi, người gầy guộc mà hình tướng dung mạo tươi sáng, nụ cười nhân từ khó tả tỏa sáng mỗi nơi sư hiện diện (dù sư chỉ hành trên núi này và rất hiếm ra ngoài, ngày chỉ thọ thực một lần). Khi sư tụng lời kinh Phật bằng tiếng Pali (mình chả biết gì) giọng nhẹ nhàng thanh thoát, sau đó hòa vào là giọng của thiền sinh. Trên núi cao, như cảm nhận âm thanh từ cõi Trời an nhiên tự tại vi diệu hiện diện. Âm điệu của lời kinh du dương, dịu dàng của cõi hạnh phúc như vẳng lại từ làn gió mang tới, chưa từng được nghe âm thanh nào êm ả hơn, thanh nhã hơn. Làm sao có thể tả nổi âm thanh ấy, chỉ có tự trải nghiệm mới cảm nhận được niềm hạnh phúc cao vời. Kỳ diệu thay cảm giác hạnh phúc ngập tràn mà an lành từ hòa âm của những giọng tụng kinh.

Đến giờ viết những dòng này vẫn thầm ao ước...

Tùy Duyên.

Đêm về khuya, phần muốn thức cùng núi rừng, phần không muốn làm phiền tâm người hành thiền, cả những gì bí ẩn mà mạnh mẽ của đêm Rừng Thiền nên lại lần theo lối nhỏ dưới trăng trở về nhà vãng lai.
Ngồi bên hiên, vừa là sân vừa là nơi giao nhau của các con đường, khá rộng. Phía trước một khoảng rộng có chất những đống củi khô. Một cây mít um tùm, vườn chuối phía đầu nhà lá khô xào xạc mạnh mỗi khi có gió thổi qua. Cây sung cao lớn như che chắn cho căn nhà vãng lai bằng gỗ mỏng manh. Xa xa, cây chay thẳng tắp cao vút. Bên mái hiên nhà bếp có ngọn đèn thắp sáng chong chong để khách hành hương từ xa đến được thuận tiện.

Sáng mai sẽ cùng cô em gái viếng Rừng thiền sớm.



  




Sư Hộ Pháp
Sư Pháp Thông
 





















Sư Pháp Thông































1 nhận xét:

  1. Tôi đã vô tình ghé thăm Viên Không rồi. Quả thật quang cảnh & con người nơi đây thật tốt đúng như bạn nói. Tôi nghĩ chỉ có Theravada là con đường chân chánh cho hành giả tu hành theo đúng giáo lý của Phật. Ai được thấy điều này thật là có phước huệ.

    Trả lờiXóa