Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Người Xưa, người Nay hay là người của Ngày mai?





Hoa hàm tiếu

Cơ quan là một Viện y học mang tên nhà bác học bất tử người Pháp.
Giống như ngày đầu bước chân đến toàn nhà chữ Y của đại học Y tháng 9 năm 1978, lần đầu bước chân lên hành lang tòa nhà cổ to lớn nơi đây  chỉ dám bước rất nhẹ để không có tiếng động.
Thuộc kiểu người hoài cổ, yêu mến mọi thứ có dấu vết thời gian. Cơ quan như một Quý ông dòng dõi, lịch lãm, rộng lượng và u buồn.
Yêu những khoảng thời gian sáng sớm hay chiều muộn, lúc chưa có ai đến hay là khi chẳng còn ai bên Quý Ông Lịch Lãm. Thỉnh thoảng chọn khoảng thời gian này để đi dạo cùng Ngài.
Sáng sớm trong khuôn viên của Ngài yên tĩnh trong lành và dịu dàng như Cô Tiểu Thư Thanh Lịch. Cả thân thể yêu kiều của cô tiểu thư phảng phất mùi của hoa cỏ mát lành. Tùy theo từng tháng trong năm, trên mái tóc xanh của cô kết những chùm hoa điệp vàng hay hoa phượng đỏ. Đáng yêu nhất là đôi chân xinh xắn của cô luôn được bọc trong đồi hài xinh màu cỏ non mượt mà. Vào mùa hè, hài cô được đính thêm lác đác những chấm đỏ cánh phượng rơi. Tùy vào tháng trong năm, có những chiếc lá cây tếch cũng muốn được chạm vào chiếc hài dịu dàng của cô. Cái vẻ mềm mại đáng yêu đến không chịu nổi muốn tan chảy của cô là khi đôi hài xanh mướt được điểm xuyết những bông tóc tiên màu hồng mỗi sớm mai mùa hè
Quý Ngài  dòng dõi ấy rất yêu mến Cô Tiều Thư Thanh Lịch. Cô Tiểu Thư Thanh Lịch ấy - cái khuôn viên  yên ắng của ngài lúc nào cũng có bầy chim: Chim cu cườm, sáo sậu, sẻ và nhiều loại lạ mà đẹp lắm thi thoảng ghé thăm. Có cặp họa mi lâu lâu lại nhập đàn với sáo sậu và cu cườm. Những gì mà Quý ông dòng dõi sở hữu là kín đáo, là hiếm là thanh vắng…
Hàng ngày vẫn thấy không chỉ bức tượng đồng bán thân nhà bác học người Pháp bất tử ấy bên cạnh tượng đồng nhà vi trùng học sáng lập viện cũng là nhà bác học danh tiếng thế giới, cũng quê hương nước Pháp xa xôi. Nhà sáng lập viện, là viện trưởng đầu tiên, làm việc gần như cả cuộc đời tại nơi đây, cũng là nơi ông trở thành tác giả của vắc xin ngừa lao.
Một góc hơi khuất còn có tượng đồng của một bác sĩ nổi tiếng khác trong thế kỷ 20 của Việt Nam. Đôi lúc cứ hơi lăn tăn nghĩ về ông, nhà bác học tài ba ấy mà sự nghiệp khoa học là ngang tầm thế giới lúc ấy, không may ông đã bị chiến tranh hủy diệt khi tuổi đời chưa tới 40. Ông lẽ ra cũng có tượng đồng nơi đây.
Khi cuộc đời đã an bài gắn với nghề vi trùng y học, đam mê tìm tòi, mong sẽ làm ra được thêm một tiện ích cho cuộc sống từ nghề nghiệp một đời, không thể không thành công. Cũng không thể không vui buồn ở đỉnh cao hay tận cùng. Rồi một ngày nào đó bỗng nhiên trong một chiều muộn, thốt lên lời nói với bức tượng đồng giữa khuôn viên Viện.
Thực ra sau lần đó đã nói chuyện rất nhiều lần với không chỉ hai mà tới ba bức tượng đồng của trong khuôn viên Quý Ông Lịch Lãm.
Như luôn là vậy, khi cùng dạo bước với Quý Ông Lịch lãm, Ngài luôn lắng nghe, yên lặng và ân cần. Biết lắng nghe đã là 51% để là tri kỷ. Chưa kể, ngài còn luôn ôm lấy bờ vai đôi khi run nhẹ vì thổn thức sự đời, ngài biết dẫn dắt câu chuyện buồn thảm gửi vào những tán cây to lớn trong khuôn viên, hay gợi nhớ những trải nghiệm cuộc đời êm như thảm cỏ dưới chân, dễ chịu như mùi lá long não thoang thoảng trong không gian. Ngài còn giữ những dòng nghĩ miên man trôi nổi dừng lại dưới ánh trăng thanh để ngắm bóng dáng ngày qua đổ dài vào quên lãng hay được lắng nghe tiếng xào xạc của màn đêm đã buông xuống tự lúc nào.
Từ ấy hiểu rằng, sau tất cả công việc mệt nhọc, cuộc sống đầy đòi hỏi thì cần biết chỉ tồn tại một quãng đời ngắn ngủi trong cõi ta bà, cần hít thở làn khí vô lo nhiều như có thể.
Có tri kỷ trong đời là một duyên may lớn lắm







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét