Nấu ăn bằng quả phi lao ở Quảng Trị
Ngày xưa còn bé tẹo cuối tuần được đi xem phim bãi chiếu ở mấy sân đá bóng trong Trường Sĩ quan Pháo binh. Có "phim màu chiến đấu màn ảnh rộng" có cả phim thần thọai nữa. Ngày còn bé ấy, như một cô bạn nói là "ký ức tuổi thơ mong manh", ký ức ấy còn nhớ được vài cảnh phim nhờ vào câu thuyết minh, có lẽ cũng do cô Ngọc thuyết minh có giọng hay quá nên nhớ lâu.
Nhớ một đoạn phim thần thoại, đại thể như thế này: Chàng Rutxlan, một mình một ngựa một chiến bào đứng nhìn trước một vùng hoang vu đầy xương người, vũ khí, áo giáp và bầy quạ kêu buốn thảm, chàng thốt lên:
Ôi, ruộng đồng, ruộng đồng mênh mông
Xương tàn chất đống
Quặn lòng vì ai
Rồi lại có một phim, tên người phụ nữ ấy là Maria, cô cùng chồng tham gia trong cuộc chiến chống phát xít Đức, rồi chồng cô hy sinh ở mặt trận. Hòa bình, cô và đứa con trai còn lại về thành phố, cuộc sống trôi qua... Nhiều năm sau cô vẫn nhớ thương về người chồng, lúc ấy có đoạn thuyết minh:
Nước sông cạn nhưng lòng còn đó
Cỏ cháy rồi gốc rễ vẫn còn đây
Chim bay đi cành còn giữ tổ
Người chết rồi tiếng hát vẫn còn vang
Lại có phim thần thoại đại ý kể rằng: Gia đình nông dân nọ sinh được một cậu con trai. Không hiểu sao cậu cứ khóc mãi, mẹ dỗ cậu, mọi cách, cậu vẫn khóc, khóc suốt cả ngày đêm. Bà mẹ cậu xót xa mà chẳng biết làm thế nào.
Một hôm lúc đứa bé vẫn đang khóc váng nhà, mẹ cậu đến chiếc nôi và bảo: "Con trai ơi, nín đi con, lớn lên mẹ sẽ cho con tuổi trẻ mãi không già và tình yêu muôn đời bất diệt". Thế là cậu bé ngừng bặt và nhoẻn cười.
Cậu khôn lớn và thành chàng trai khỏe mạnh, đẹp đẽ, chăm chỉ cùng cha mẹ trồng lúa mì, nuôi đàn cừu lấy lông, nuôi mấy con bò sữa...
Cho đến một sáng sớm nọ, chàng trai bỗng hỏi mẹ: Hồi nhỏ mẹ hứa với con rằng "lớn lên mẹ sẽ cho con tuổi trẻ mãi không già và tình yêu muôn đời bất diệt", nay con đã lớn. Bà mẹ làm đổ cả thùng sữa vừa mới vắt. Bà sững người một lát rồi nói:
- Con ơi, hồi bé con cứ khóc, khóc mãi không dứt...
- Con muốn mẹ cho con tuổi trẻ mãi không già và tình yêu muôn đời bất diệt
- Con yêu ơi...
Thuyết phục con trai thế nào cũng không được, chuyện đã xảy ra như nó phải xảy ra. Chàng nhất quyết từ biệt cha mẹ ra đi để tìm "tuổi trẻ mãi không già và tình yêu muôn đời bất diệt".
Chàng trai đi, đi mãi, một ngày kia cậu dừng ở một vùng đất lạ, làng ấy đang có lễ hội. Mọi người vui vẻ mời cậu tham gia. Rồi chàng đã ở lại làng, Rồi chuyện đã xảy ra như nó phải xảy ra, chàng gặp một cô gái xinh đẹp, lập gia đình... cuộc sống cứ thế theo mùa màng, xuân hạ thu đông trôi đi thật nhanh bên ngôi nhà ám áp.
Một hôm cũng lại trong vũ hội tươi vui, chuyện đã xảy ra như nó phải xảy ra. Chàng trai nay đã thành người đàn ông chủ một gia đình chợt nhớ lại lời hứa khi xưa, ông nhớ cha mẹ nơi quê nhà và muốn về thăm. Lúc ấy những người xung quanh nhìn ông cười: Ông hãy nhìn vào gương xem. Chàng trai khi xưa nhìn thấy mình đã thành một ông già râu dài tóc bạc, chỉ đôi mắt vẫn ánh lên niềm vui sống tràn trề... và chợt hiểu...
Khi lớn lên ta muốn được sống trong an lành cùng ông bà cha mẹ ta trong một xã hội có pháp luật đúng đắn, điều hành minh bạch như các nước văn minh, Tổ Quốc toàn vẹn. Như tấm biển cổ động bên đường màu đỏ chữ vàng gặp trên đường từ căn cứ 241 trở về: "Dân giàu Nước mạnh Xã hội công bằng dân chủ văn minh"
Lịch sử là điều buộc phải ghi nhận như nó đã xảy ra.
Từ một giai đoạn lịch sử thương đau, ta muốn có bài học để cố gắng kiểm soát nó để có hòa bình bằng nỗ lực hiểu biết văn hóa, nhân văn, khoa học kỹ thuật... để sẽ không còn phải hỏi " quặn lòng vì ai".
Là người đàn bà không còn phải tự an ủi mình trong cuộc đời còn lại trong thương nhớ và cô đơn rằng "người chết rồi tiếng hát vẫn còn vang".
Và, có một cuộc sống là quí giá, là một anh nông dân hạnh phúc nọ nhất quyết đi tìm "tuổi trẻ mãi không già và tình yêu muôn đời bất diệt", hay là nhất quyết trở thành bất kỳ một cuộc đời nào...
Được sống trên đời đủ cả "hỷ nộ ái ố", sống lương thiện, đúng đắn trong hòa bình vẫn là tốt đẹp.
Đèn biển Cửa Tùng trong sương sớm |
Thuyền trên Cửa Tùng lúc hửng sáng |
Đường đi Cửa Việt |
Bãi biển Vịnh Mốc |
Lộc vừng Cửa Tùng |
Cổng vắng |
Hoàng hôn Cửa Tùng |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét