Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Cuốn truyện mình yêu thích nhất

Tên truyện là "Thánh đường chim".
Mình không còn nhớ mình đã đọc cuốn truyện ấy lần đầu tiên năm nào, chỉ còn nhớ là nó được in trên giấy đen, rất xấu thời bao cấp. Ngày ấy mình mượn ở thư viện Nha Trang, nơi em dâu làm việc. Cuốn truyện quá đặc biệt với mình. Đọc đi đọc lại bao nhiêu lần, đi đâu xa cũng mang theo để rồi một lần đã để quên trên chuyến tàu Nha Trang - Sài Gòn vì nó lọt xuống giường nằm mà trước khi xuống tàu mình đã không nhìn thấy nó.
Bao năm qua vẫn để ý xem họ có tái bản không, nhưng chẳng thấy. Đành tìm bạn tri kỷ của mình trên mạng và thấy tri kỷ của mình với đầy đủ tên thật, người sinh ra tri kỷ và quê hương bản quán...
Gửi lên đây thỉnh thoảng gặp cho đỡ nhớ

Tên thật của "Thánh đường chim"
Tác giả
Vịnh Capri nước Ý và ngôi nhà của nhà văn bác sĩ người Thuỵ Điển,
nơi "Thánh đường chim - The story of San Michelle" ra đời
Và, ngôi nhà của Bác sĩ Axel Munther, tác giả

Với cả nỗi lòng của một thời đã qua, bây giờ và chắc còn mãi về sau về một quyển sách vô cùng đặc biệt với mình.
---------
"Thánh đường chim". Tác giả: Axel Munthe. Dịch giả: Trần Văn Nuôi - NXB Tổng hợp Tiền Giang 1989. 244 trang.

Sau khi lên mạng mình tìm được tiểu sử dịch giả  Trần Văn Nuôi. Buồn. Lạ là ai mình rất yêu mến thì thường không may. Lâu rồi mình đã thống kê cái khổ này của mình và nói với bạn bè. Rồi mình tự hứa sẽ không nói ra ai mình yêu mến nữa mà chỉ để trong lòng. Nay đến cả một người chưa từng gặp, chưa từng biết mặt cũng đã biến mất khỏi cuộc đời không may mắn, là anh, Trần Văn Nuôi. Cầu cho anh được sớm đến cõi Trời hay cõi Người mà anh mong muốn.

Một bài viết về dịch giả Trần Văn Nuôi


Nhớ Kỳ Lâm
Thứ Sáu, 14.8.2009 | 07:26 (GMT + 7)

(LĐ) - Mỗi lần giở tờ Lao Động, đọc mục "Tản Mạn", tôi lại nhớ Kỳ Lâm và nhiều lần không sợ mất lòng bình phẩm rằng, cho đến nay không một cây bút nào có thể thay thế anh ở mục này!

Kỳ Lâm tên thật là Trần Văn Nuôi (một số tác phẩm anh dịch hoặc biên soạn như Thánh đường chim của Axel Munthe, Thư gửi người tình... anh dùng tên Trần Văn Nuôi). Là kỹ sư ngành đường sắt, nhưng anh yêu văn chương, hội họa và kết bạn với nhiều người nổi tiếng như Trần Đức Thảo, Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân, Thái Tuấn... Ba họa sĩ này tặng anh khá nhiều tác phẩm có giá trị.

Năm 1977, tôi về Báo Công Nhân Giải Phóng (nay là Người Lao Động), anh đã là ủy viên Ban biên tập từ khi thành lập báo năm 1975. Vậy mà chưa được một năm sau, tôi đã nặng tay bãi chức anh với lý do: "Say sưa rượu chè, không gương mẫu". Bảy năm sau, tôi bị cách chức tổng biên tập và xin trở về làm phóng viên Báo Lao Động. Biết tin, anh đến nhà tôi năn nỉ xin cho anh đi theo. Tôi cười nói đùa: "Anh muốn phù suy à? Qua đó tôi chỉ làm lính". Anh cười: "Càng tốt, như vậy, cậu phải bình đẳng với tớ, đếch còn làm phách được nữa!".

Chúng tôi có thể nói với nhau mọi chuyện riêng tư rất thẳng thắn. Có lần anh gọi tôi phải rời Hà Nội vào ngay để giải quyết thắc mắc của họa sĩ Chóe, kẻo báo bị mất Chóe. Lần khác sau khi tan cuộc họp, anh gặp tôi nói thẳng thừng: "Ông Công này. Tôi thấy ông càng già càng nói dai. Ông có biết như thế là thiếu tôn trọng người khác không? Dù đó là những người cấp dưới của ông?".

Thú thật, nhờ câu góp ý đó, mà tôi chữa được bệnh ham nói! Nhưng cũng có vài trường hợp không nhất trí được với nhau khi đối diện thì anh viết thư. Nhiều thư, tôi không còn giữ, nhưng lá thư viết ngày 27 tháng 5 năm 1993, chỉ mấy tháng sau đó, anh bị tai nạn giao thông và qua đời, tôi giữ mãi như một báu vật. Lá thư chì chiết tôi, nhưng nó thể hiện tầm nhân văn của người viết và đọc nó có thể giúp ta hiểu vì sao những bài "Tản mạn" của Kỳ Lâm có sức ám ảnh người đọc đến vậy. Tôi xin chép lại lá thư:

Kính gửi anh Công 
Rất tiếc là Charlot bị gác! Anh bảo đã có bản dịch cách đây vài chục năm. Vậy thì có mấy người được đọc? Tác động thời đại của cuốn sách không nhỏ! Nó chính là tiếng kêu cứu của thân phận con người trong một xã hội đầy phũ phàng, cho tới tận những ngày chúng ta đang sống. Charlot không phải là hề, ông là một nhà nhân văn, một triết nhân bằng hình ảnh. Những đoạn trong quyển sách trình bày về quá trình hình thành các tác phẩm lớn: "Thời hiện đại", "Ánh sáng trong thành phố", "Kẻ độc tài"... nói rõ những day dứt của con người hiện đại. Còn những đối thoại của ông với các nhân vật hàng đầu thế giới như Gandhi, Giáo hoàng, Roosevelt, Churchill, Einstein, Stravinsky... thì đó là những nghĩ suy cỡ hành tinh.
Rất tiếc. Quyết định của lãnh đạo vẫn là quyết định!
Hoàng Hưng có đọc đây đó về Charlot, chưa đọc quyển sách này, nhưng Hưng rất nhất trí với tôi: "Chưa có ai bênh vực con người, phẩm giá con người bằng Charlot. Và ở thời điểm này khi con người vẫn còn bị chà đạp từ nhiều phía, nghe Charlot tâm sự là một điều an ủi vô cùng lớn lao. Do đó, Hưng đã bàn với tôi trích dịch Charlot!
Nhưng thôi, lãnh đạo vẫn là lãnh đạo, chúng tôi không buồn rầu lâu lắm đâu.
       Kính
     Kỳ Lâm
Tôi ân hận mãi, không hiểu vì sao đọc lá thư như vậy mà tôi vẫn không chịu nhân nhượng cho đăng bản dịch của anh! Anh "không buồn rầu lâu lắm đâu" như đã nói, vẫn say sưa lăn lộn tìm đề tài, viết và nộp bài đúng giờ. Buổi chiều định mệnh ấy, nộp bài xong, anh đến quán cầm ly (nói lái thành bút danh Kỳ Lâm) lai rai.

Dù đang vui, nhưng vẫn nhớ lúc này bài viết của mình đã lên khuôn. Thói quen phải đọc lại bài, buộc anh rời bàn nhậu đạp xe về cơ quan. Trên đường trở lại quán nhậu, tai nạn xảy ra! Phải chi anh giống như nhiều đồng nghiệp, đã nộp bài rồi là coi như hết trách nhiệm, phải chi... Nhưng biết làm sao, khi Kỳ Lâm của chúng là một người như thế!

Tống Văn Công
----------
Internet thật là tuyệt vời, 
Thế là mình đã mua lại được cuống sách cũ yêu thích trên mạng. Cả hai cuốn gộp lại mới thành một cuốn đầy đủ. Nhà bán sách cũ cũng rất tận tình, chắc chắn họ yêu và hiểu sách cũ và người đọc sách lắm. Xin cảm ơn.

Cuốn sách ấy đây 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét