Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

Về bệnh chân tay miệng đang diễn biến


Đến nay con số chết không dừng như trong bài báo mình gửi đăng với tít (do báo đặt): "Không công bố dịch Tay chân miệng vì khác nhau trong trình độ nhận thức" đã đăng trên báo Pháp luật Việt Nam ngày 4/11/2011 mà còn tăng cao hơn chưa có biểu hiện dừng. Mình đăng lại chi tiết bài viết gửi lên báo của mình khi BBT chưa biên tập lại.



Có lẽ sau nguy cơ của các dịch SARS, cúm H5N1, H1N1 thì hiện tại nỗi lo lắng bị lây bệnh tay chân miệng (TCM) đang bao trùm lên các gia đình có con nhỏ, con đi học tiểu học. Không lo làm sao được khi số địa phương mắc đã trùm lên 63/64 tỉnh thành phố toàn quốc và số trẻ chết tính đến thời điểm này là 138 em, cao hơn tất cả số bệnh nhân chết của 3 vụ dịch nguy hiểm trên công lại.
Các báo liên tục đưa tin về số mắc, số chết và nhiều câu hỏi được đặt ra rất xác đáng.
Bộ Y tế vài tháng qua cũng đã có những cuộc họp chuyên môn, đoàn kiểm tra, họp báo, truyền thông … Các viện nghiên cứu, TT y tế dự phòng, bệnh viện đã vào cuộc.

Cho đến nay vẫn có ca mắc mới, bệnh nhi tiếp tục tử vong.
Với 27 năm trong ngành y tế dự phòng, thấy gì đã diễn biến quanh bệnh chân tay miệng xảy ra cho trẻ em ta? Chết nhiều trẻ quá, đến mức chưa từng vụ dịch nào trong 27 năm làm việc đến nay có số trẻ chết nhiều như vậy chỉ từ tháng 5 đến 28/10/2011.
Có dịch tay chân miệng ở nước ta không? Có, là các vụ dịch bùng phát trên toàn quốc

Tại sao không công bố dịch?
Trong cuộc họp báo chiều 25/10/2011 bộ y tế đã trả lời bệnh TCM  đang lưu hành hiện nay ở nước ta theo Điều 2, luật số: 64/2010/QĐ-TTg quy định về điều kiện công bố dịch thì chưa đủ điều kiện công bố. Luật này ban hành ngày 25 tháng 10 năm 2010, đúng chính xác 1 năm tính đến chiều họp báo của Bộ y tế. 
Các điều kiện trong điều 2 như sau:
Điều 2. Điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm
Việc công bố dịch bệnh truyền nhiễm chỉ được thực hiện khi có đủ hai điều kiện sau:
1. Có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
2. Có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau:
a) Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
b) Bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả;
c) Bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả;
d) Bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.
Như vậy khả năng công bố dịch của Việt Nam chỉ xảy ra ở 1 tình trạng duy nhất là Điều 1 + Điều 2 mục d.: Dịch bệnh xảy ra trong thiên tai thảm hoạ.
 Mục a, b, c là những bệnh dịch tối nguy hiểm, vượt cả khả năng kiểm soát bệnh và khoa học kỹ thuật của ta.
Theo tôi Điều 2 luật Số: 64/2010/QĐ-TTg nên chăng cần xem lại các khía cạnh sau đây:

Khái niệm về “dịch” trong “Công bố dịch
Hiện nay thế giới có nhiều từ mô tả dịch bệnh, theo mức độ từ nhỏ đến lớn là: Vụ dịch (outbreak)’; Dịch (epidemic) và Đại Dịch (Pandemic) mà các nhà dịch tễ học đều biết. Về nguyên tắc thì ngay khi là một vụ dịch người ta đã khuyến nghị nên thông báo, nếu không thông báo nó, những lượng giá chính xác sẽ không được thực hiện đúng lúc để phòng ngừa bệnh lan rộng hơn, nếu thông báo nó thì có thể làm tăng sự phòng bệnh của cộng đồng .
Như vậy  Điều 1 đã bỏ qua thông báo các vụ dịch là yếu tố nền móng của dịch
Điều 2: Dịch  nên xếp thành các cấp độ và căn cứ trên các tiêu chuẩn để xác định có sự hiện diện của dịch bệnh (kết quả phòng thí nghiệm) mà công bố nó đang nằm ở mức nào ví dụ như: Mức xám là mức vụ dịch, mức vàng là dịch và mức đỏ là đại dịch .
Cũng nên có các văn bản (dưới luật) kèm theo các mức công bố là các phu lục hướng dẫn xử lý dịch mức tương đương của nhân viên y tế các cấp, các ngành thuộc hệ thống y tế  hoặc phối hợp các ban ngành… trong cộng đồng  cũng như công chúng sẽ dần có khái niệm dịch bệnh mà học cách ứng phó thích hợp.
Khi đã có văn bản hướng dẫn chi tiết thì việc theo dõi, đánh giá công tác chống dịch qui theo trách nhiệm là cụ thể và minh bạch.

Tại sao nói là đang có các vụ dịch TCM trên toàn quốc? 
 Theo tài liệu cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới WHO, các vụ dịch TCM đã xảy ra ở TP. HCM từ năm 2003. Năm 2005 đã có 764 trẻ mắc trong đó 96,2% dưới 5 tuổi, 3 trẻ tử  vong. Năm 2006-2007  chết 3 trẻ /305 ca mắc. Năm 2007, 2008, 2009 có số trẻ chết/ mắc lần lượt là 23/5 719; 25/10.958 và 23/10.632.
Phía Bắc Việt nam năm 2008  có 88 ca trên 13 tỉnh thành. Đến tháng 10/ 2011 đã lan khắp các tỉnh phía Bắc có 2 ca tử vong.
trong tất cả các báo cáo đều ghi “Dịch TCM”.

Dịch không trong tầm kiểm soát, tại sao?
Theo các thống kê trên thì năm 2011 (77.895 ca), đã vượt gấp 7 lần số mắc năm 2009 (10.632 ca). Như vậy, với các số liệu đã công bố như trên số mắc tăng vọt so với số mắc dự tính bình thường qua các năm. Dịch đã  lan rộng trên 63 tỉnh thành, số chết cao hơn 6-7 lần (137 trẻ). Thông cáo báo chí nói các địa phương trọng điểm không tăng mà số mới mắc là các điểm mới. Cả thống kê tử vong, số mắc mới và điểm lan rộng mới chứng tỏ không kiểm soát được dịch bệnh. Báo cáo tổng kết của WHO trong tháng 10/2011 cũng ghi rõ bệnh TCM ở Việt Nam tiếp tục lan rộng, các nước khác như Trung Quốc, Nhật bản, Hàn Quốc, Singapore đang giảm nhẹ.
Bộ y tế công bố tỷ lệ chết do TCM của Việt nam thấp hơn của các nước trong khu vực là không chính xác. Theo tổng kết của WHO, cập nhật định kỳ (15 ngày/ một lần) của WPRO (WHO khu vực Tây Thái Bình Dương) tính từ tháng 1 đến 30/9/2011, Trung quốc có 1.217.768 ca mắc (cùng thời điểm này năm 2010 có 1.567.254 trẻ mắc) và 399 trẻ chết (khoảng 3.000 trẻ mắc có 1 trẻ tử vong). Cùng thời gian này ở Việt nam là 61.805 ca mắc và 114 trẻ chết (khoảng 600 trẻ mắc có 1 trẻ tử vong).

Hai nước có công bố trẻ tử vong nhiều nhất là TQ và VN thì VN tỷ lệ chết/ mắc gấp 5 lần TQ.
Các thông báo này của WHO cũng cho biết Macao, Nhật Bản, Hàn Quốc số mắc cao hơn năm 2010 nhưng đang trong xu hướng giảm và không có số chết. Riêng Singapore năm 2011 giảm còn 14 146 ca mắc so với năm 2010 là 25.283 ca.

Công tác truyền thông dịch bệnh
Đã cho thấy việc thông báo cũng như tuyên truyền phòng chống bệnh TCM đã không kịp thời trong nhiều năm qua, đến nay số mắc, số tử vong đã cao ngất ngưởng thì hệ thống mới bắt đầu vận hành.
Kinh phí dự phòng dành cho phòng ngừa TCM không có. Khi các vụ dịch lan tràn mới bổ sung.
Đánh giá nguy cơ bệnh TCM
WHO  tuyên bố nguy cơ toàn cảnh bệnh TCM ở khu vực Tây Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) như sau:
Nguy cơ toàn diện
Các vụ dịch TCM do virút EV 71 (là chủng độc trong 2 chủng gây bệnh) sẽ tăng thường xuyên và toàn diện về số mắc trên khu vực vì các lý do:
-         Có sự tiếp tục biến đổi và sinh ra các chủng EV71 tái tổ hợp mới, và
-         Tăng số ca mắc cũng như độ nặng ở các trung tâm điều trị bệnh nhi
Số lượng ca nặng cao hơn cũng có thể xảy ra như là kết quả của sự tạo ra chủng mới, đặc biệt ở các vùng nông thôn nơi mà điều kiện chăm sóc y tế, vệ sinh, tuyên truyền kém.
Không dự đoán được trong công bố nguy cơ TCM
Đánh giá nguy cơ chỉ  dự đoán ở một mức độ vừa phải do:
-            Các dữ liệu giám sát không đầy đủ trong báo cáo số ca mắc và  về chủng vi rút EV71.
-            Thiếu hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh tại các nước thành viên.
-            Sự khác nhau trong trình độ nhận thức và nội dung báo cáo giữa các nước thành viên và
-            Không thể tiên lượng được sự thay đổi của virus về địa lý và thời gian.
Đây là những dữ liệu công bố  hiện hành về bệnh TCM của WHO cho Việt Nam vá các nước khu vực Tây Thái Bình Dương .
-----------------
TS. BS Hồ Thị Hồng Nhung.



Tài liệu tham khảo
Bệnh Tay-chân-miệng (viết tắt tiếng Anh là HFMD-Hand, Foot and Mouth Disease)
 
1.     Quyết định 64/2010/QĐ-TTg quy định điều kiện công bố dịch và hết dịch bệnh truyền nhiễm do Thủ tướng Chính phủ ban hành Thư Viện Pháp Luật > Quyết định >
http://thuvienphapluat.vn/archive/Quyet-dinh/Quyet-dinh-64-2010-QD-TTg-dieu-kien-cong-bo-dich-het-dich-benh-truyen-nhiem-vb113446t17.aspx
3.     RISK ASSESSMENT OF EV71 FOR THE WESTERN PACIFIC REGION 
4.     OVERVIEW OF HAND, FOOT AND MOUTH DISEASE http://www.wpro.who.int/health_topics/hfmd/ Last update: 13 October 2011
5.     Hand, foot and mouth disease a rising menace in Asia . http://www.wpro.who.int/media_centre/news/news_20090713.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét