Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Thăm An Giang, thăm kênh Vĩnh Tế - nguồn mạch sống...

Trên đỉnh núi Cấm


Ngược lần tìm mới biết được An Giang đầy sự tích, lịch sử. Thật tuyệt vời được biết An Giang có hai địa danh thiêng liêng, kỳ diệu đều là vùng núi: Núi Sam và Bảy núi. Lòng khởi thủy một niềm ước muốn và quyết phải đến thăm viếng, chiêm bái vùng ấy.

Đến An Giang, những điều mắt thấy tai nghe còn hơn cả mong đợi. Đi về đã mấy ngày rồi mà trong lòng vẫn cảm động, vẫn chưa hết bồi hồi về hai vùng đất Núi Sam và Bảy Núi.

Từ lâu rồi đọc sách vở nói rằng, những nơi núi cao sông sâu, biền rộng sông dài, vùng đất bằng mênh mông bỗng nổi lên nhưng gò núi thì những nơi ấy là "Địa linh" thường sinh "Nhân kiệt". Điều này thật đúng với An Giang.

Sinh ra, lớn lên suốt thời niên thiếu ở vùng cách núi Ba Vì chỉ vài chục cây số. Những năm chiến tranh, lại sơ tán về vùng chân nuí Ba Vì nên núi non không thể thiếu trong tâm tưởng suốt cuộc đời. Những dãy núi trùng điệp hay đỉnh non cao như là hình ảnh người tình tha thiết đầy uy lực mà ấm áp, hiền hòa nhưng cách trở. Đến Núi Sam, Bảy Núi gặp lại núi, gặp mây phủ đỉnh non... Nhìn lên bắt gặp hình ảnh thân thuộc của người tình đời thân quen tự thuở nào

Qua phà Vàm Cống, sông Hậu mênh mang, vui mừng vì những chuyến phà lớn liên tục cặp và rời bến chẳng phải đợi lâu. Những con phà thật sạch sẽ, chắc chắn, đẹp đẽ với nước sơn trắng. Mừng vì "cảnh đò xe" thật thuận tiện và ngăn nắp. Đã có kế hoạch xây cầu Vàm Cống, những chuyến phà ngang sẽ chỉ còn vài năm nữa. Cũng thú vị khi được đi phà đẹp mà an toàn, mau chóng. Ít người lên tầng thượng của phà, một "sân thượng" rộng rãi tuyệt vời ngắm sông nước, nơi này chỉ có mấy anh vận hành phà. Dòng sông Hậu rộng mênh mông cùng những con người bé nhỏ chung sống. Con người quả là kỳ diệu, chẳng gì ngăn nổi họ tồn tại, sống và kiếm tìm hạnh phúc.

Đến núi Sam rồi, xa xa, núi Sam nhìn đúng là giống một con sam biển. Con sam biển đơn độc, thường loài sam đi đâu cũng có đôi nhưng núi Sam chỉ có một. Xe dừng cách miếu Bà Chúa Xứ không xa.
Miếu Bà Chúa Xứ to lớn, nhà ngang dãy dọc kiên cố và đẹp đẽ. Mỗi khu vực đều chất đầy các tặng vật là quà dâng biếu và tạ ơn. Đền thờ Bà cao lớn nghiêm trang, nườm nượp người vào lễ trong trật tự và tôn nghiêm. Ấn tượng nhất về Đền Bà là những bằng chứng của người đi lễ dâng cúng chứng tỏ lòng biết ơn cũng như lòng tin về sự hiển linh của Bà Chúa Xứ. Sau khi thắp hương và dâng lễ, đi vài  vòng thăm miếu Bà. Chưa nơi nào trên đất nước có thể hình dung ra người đi lễ cúng dường nhiều như thế. Nếu tính ra thì chắc kinh phí cúng dường lên Bà hàng năm phải lên đến vài chục tỷ.

Khu miếu thờ công thần Thoại Ngọc Hầu chếch bên kia đường trên sườn đồi. Miếu của ngài như hầu hết các miếu ngày xưa: nhỏ, thấp, giản dị và tôn nghiêm. Thật khác xa với những khu mộ lắm tiền ngày nay.Thắp hương khấn ngài rồi lên đỉnh núi Sam, thăm am nhỏ có bệ đá đen, nơi xưa khi cho đào kênh Vĩnh Tế, Thoại Ngọc Hầu đã tìm thấy tượng đá đen hình phụ nữ và đưa xuống lập miếu  thờ thành miếu Bà Chúa Xứ ngày nay. Từ trên đỉnh núi Sam nhìn xa 4 phương, phía Tây sau lưng am dưới ruộng đồng bát ngát kia là kênh Vĩnh Tế có hàng bạch đàn vươn cao như là làm dấu. Xa mờ là đất Căm pu chia chia cách Việt Nam chỉ là những con kênh trên cánh đồng xanh bạt ngàn. Mấy chú xe ôm nói cánh đồng lúa toàn bộ là nông dân Việt Nam làm, họ cũng thuê luôn cả ruộng bên Cam pu chia. Con kênh Vĩnh Tế  dài tới hơn 80 cây số. Nhìn từ trên đỉnh núi mới hiểu, từ con kênh rồi những rạch nhỏ dẫn nước, chia xẻ đồng ruộng ...tất cả đều đổ về nhánh sông Hậu rồi tới Hậu Giang ra biển. Mới hiểu bà con làm lúa trên những cánh đồng rộng như vô tận ấy đi làm trên những chiếc xuống ba lá, rồi gặt, rồi chở thóc về vựa theo con nước... tới vựa lúa được sấy khô, rồi xay xát thành gạo, rồi xuống những con tàu lớn ra đi... tất cả đều trên kênh rạch sông nước. Nhà mặt tiền là những ngôi nhà hướng ra sông, kênh, phía kia là lộ - bờ bao do đào kênh mà thành con đường lớn. Mùa nước nổi nhà cửa phía tây bờ kênh ngập nước mênh mông, trong bờ bao cuộc sống yên ổn. Mới thấy các vị quan xưa có công lớn như thế nào, nhìn xa trông rộng biết bao nhiêu...

Nghĩ đến người nông dân Bắc bộ thật khổ. Nắng cháy hạn, lũ lụt, gió rét sương muối... đất chật người đông. Đồng xa đồng gần đều chất lên vai với đôi quang gánh đè nặng suốt cuộc đời. Chạnh lòng nghĩ đến các vị quan chức từ tỉnh xuống tới huyện xã ngoài Bắc. Các vị ấy cần vào miền tây nam bộ để thấy người nông dân ngoài Bắc đã khổ đến như thế nào.
Dọc đường từ núi Sam đi Bảy Núi, dừng xe xuống tận bờ kênh Vĩnh Tế để nhìn dòng kênh đã trên 300 năm tưới tiêu ruộng đồng, thau chua rửa mặn, tàu thuyền ngược xuôi... nay vẫn dòng nước ngọt lành nuôi đôi bờ lúa và người tươi tốt. Trong lòng tự hỏi mình đã làm được chỉ một chút gì chưa suốt 50 năm sống trên đời...

Trên núi Sam còn có một ngôi chùa vô cùng đặc biệt là chùa Hang. Ngôi chùa này sẽ viết một bài riêng vì quá nhiều điều ấn tượng.

Lên đường đi tiếp từ Châu Đốc đi Tịnh Biên có vùng Bảy Núi. Đây là vùng giáp danh Căm pu chia có nhiều vườn thốt nốt xanh tốt, đẹp đến sững sờ.

Nếu ở Bắc Bộ, hình dáng bóng cau gầy cao vút in sậm lên nền trời lúc chiều tà luôn làm xao xuyến nỗi lòng người đi xa thì khi đến An Giang, bên làng mạc, phum sóc có bà con Khme sinh sống thấy ngay bóng cây thốt nốt vô cùng đặc biệt. Không thể không thấy dáng từng cây thốt nốt với tán lá ngọn tròn xoe như quả cầu in trên nền trời trong xanh tràn ngập nắng phương nam. Dáng những gốc cây to khỏe nghiêng xuống ruộng, thân vươn thẳng lên trời khắp cả một vùng miệt vườn thốt nốt, đây đó vài con bò đang thong thả gặm cỏ  là một bức tranh hiển hiện hồn sống của miền Tây. Bức tranh ấy đẹp đến nao lòng khiến ta nghĩ giá mình được làm điều gì tốt lành ở nơi đây cho những làng quê đậm đặc lối sống truyền thống ấy.

Trong các phum, sóc Khơ me ấy nổi lên những nếp chùa Khme với lối kiến trúc đường nét nhận ra ngay bởi chùa cao có nhiều mái với những chót mái cong vút lên thanh thoát như bàn tay vũ nữ Áp-sa -ra. Ngôi chùa nào cũng rực rỡ một màu vàng tươi sáng. Chùa Khme luôn là những công trình công cộng lớn nhất, đẹp nhất nổi bật khác hẳn những nếp nhà nhỏ bé, hơi xuề xòa, tàm tạm của bà con Khme. Các vị sư trong chùa nhìn đều hiền hậu, chân thật, hơi khắc khổ, luôn bận rộn, luôn tay luôn chân công việc của chùa như xây sửa, tu bổ... Chùa Khme chính là trung tâm cuộc sống của bà con Khme. Nói thật, trong lòng luôn có thiện cảm với bà con và các vị sư Khme.
Cây thốt nốt, vườn thốt nốt bên ruộng lúa là hình ảnh in đậm nhất trong hành trình.

Đến núi Cấm, ngay chân núi đã được hưởng làn gió mát rượi. Bà con sống quanh núi bảo quanh năm nơi đây mát mẻ. Trên đỉnh núi Cấm, An Giang mới cho xây quần thể du lịch tâm linh khá đẹp quanh một hồ nước nhân tạo. Mọi thứ còn chưa hoàn chỉnh nhưng xem ra nhu cầu tâm linh lớn lắm. Từng dòng người lũ lượt lên núi cầu cúng. Riêng mình, đứng trên núi Cấm được nhìn bao quát bốn hướng xuống đồng bằng xa mờ phía dưới thì thích hơn, nhưng không có lối lên đỉnh nào như vậy. Được ngắm nhìn bà con đi lễ, thành tâm cầu nguyện, ngắm nhìn cảnh buôn bán làm ăn nho nhỏ trên đỉnh núi Cấm cũng vui vui.

Người dân làm ăn sống theo du lịch Bảy Núi gặp hết thảy đều vui vẻ, tử tế và chân thật. Chẳng hề thấy chỗ nào người bán kẻ mua, hay người đưa rước khách khó chịu. Mình rất vui vì điều này và còn mong có dịp sẽ thăm lại.
Khác với hành hương phía Bắc, mình là người Bắc thật, vậy mà đi đâu cũng phải cẩn thận hết mức, đủ thứ khó chịu. Nghĩ lại trong lòng buồn tiếc âu sầu nghĩ vì sao nên nông nỗi ấy?

Trở về nhà, hơn cả hài lòng về chuyến đi thăm An Giang, cảm giác thật khó tả.
Phà Vàm Cống

Kho trưng bày các bộ áo mão, đồ trang sức, tặng vật
người đi lễ dâng tặng, nhiều đến mức phải thông báo hạn chế vì
không còn nơi cất
Bệ đá Bà chúa Xứ xưa trên đỉnh núi Sam

Lăng Thoại Ngọc Hầu







Phía Tây đỉnh núi Sam nhìn xuống kênh Vĩnh Tế
Hồ sen lưng núi của chùa Hang






Núi Cấm

Phong cảnh khu du lịch trên đỉnh núi Cấm


Xuống núi

2 nhận xét:

  1. Thưa quí vị,
    Trong bài viết này, sau khi tham khảo các tài liệu về trụ trì chùa Lumbini ở Nepal và Ấn Độ, tôi đã cắt bỏ vài chi tiết vì đã nhận được những thông tin sai lầm trên truyền thông.
    Đoạn ngắn cắt bỏ ấy có thể vẫn lưu trữ ở một vài bài viết làm ví dụ minh họa về truyền thông tô vẽ dựng nên những hình ảnh lừa mị sai sự thật, lợi dụng niềm tin vào Phật Pháp, lòng mộ Phật chân thành.
    Cảm ơn tác giả blog Nguyenphunepal và blog thamtulyphong, blog yentuson đã dày công và tâm giúp cho sự thật được sáng tỏ.

    Phật Pháp thiêu rụi mọi sự vô minh.

    Trả lờiXóa
  2. Chào cô
    Trong lúc tìm tư liệu về kênh Vĩnh Tế cháu đọc được bài của cô thấy những chia sẻ về người nông dân miền Nam và miền Bắc, về cây lúa và kênh rất sâu sắc và ý nghĩa. Cháu rất vui vì có thể đọc được 1 bài blog cá nhân về An Giang hay như thế. Cháu chúc cô luôn có nhiều sức khoẻ để đi thăm thú nhiều nơi hơn nữa ạ.

    Trả lờiXóa