Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Kỷ niệm 120 năm thành lập viện Pasteur Sài Gòn - TP. Hồ Chi Minh 1891-2011





 Tượng đồng Louis Pasteur

"Bút sa" là cái duyên nghiệp đưa chân vào ngành vi trùng học.
Cũng chẳng còn nhớ tên cuốn tiểu thuyết mà năm thứ nhất y khoa đã đọc. Hình ảnh vị bác sĩ vi trùng học trong cuốn tiểu thuyết nước ngoài ấy rất ấn tượng. Mãi về sau này, gặp lại một vị bác sĩ khác trong tiểu thuyết "Đèn không hắt bóng" của Nhật, rồi nhóm các bác sĩ phẫu thuật trong phim Mỹ "Bác sĩ tận tâm"... Cho đến bây giờ "khuôn mẫu" của một vị bác sĩ trong tâm tưởng vẫn chẳng hề thay đổi. Chỉ có điều, chưa gặp... hay là JDC?



Ra làm việc mà được làm một nơi có bề dày lịch sử hàng trăm năm, là may mắn. Nơi ấy thật sự luôn có những điều thú vị và kỳ diệu.
Một trong các mơ mộng là tưởng tượng về các nhà vi trùng học đã khai sinh ra các Viện Pasteur ở 3 miền Việt nam. May thay trong cuộc đời đã đến được 2 trong 3 quê hương của các nhà bác học: Viện Pasteur Paris, Pháp của Louis Pasteur, Lausanne Thụy Sĩ của Alexandre Yersin, chưa đến Lion, Pháp của Calmet.

Điều kỳ diệu đã đưa mình đến thăm Moger, Lausanne, Thụy Sĩ quê mẹ của bác sĩ Yersin. Và cũng chỉ có điều thần kỳ đã khiến cho mình được đặt chân đến thăm hầm mộ của Louis Pasteur ở Viện Pasteur Paris.

Nhớ khi xưa còn trẻ ở viện Pasteur Nha Trang rón rén bên tượng đồng Yersin. Ngơ ngẩn nhìn những hàng cây tra, một loại cây lạ mà rất đẹp mọc xanh tươi nơi viện và dọc theo con đường biển đẹp hiếm có. Rồi lên Suối Dầu, trang trại động vật thí nghiệm của viện có bác sĩ Yersin yên nghỉ trên khu đồi vắng lặng.
Khu mộ bác sĩ Yersin, Suối Dầu, Nha Trang
 Viện Pasteur Đà Lạt gắn liền với cảm giác về một thành phố ôn đới tinh khôi. Lúc ấy vừa mới mới ra trường được lên dự hội nghị vào tháng giêng, là một phân viện của Viện vắc xin Nha Trang. Ngày xưa thời bác sĩ Yersin làm được nhiều  việcthế.. Năm 1987 mình đã lên Đà Lạt dạy cho Viện Đà Lạt qui trình sản xuất qui mô công nghệ (tác phẩm của mình và một BS nữa) men tiêu hoá BIOSUBTYL, đêm ngủ sợ ma chết khiếp. Bây giờ viện Đà Lạt ra sao sau 14 năm rồi không ghé nên cũng không biết nữa. Nghe nói đã tách ra thành viện Vắc xin Đà Lạt. Chắc chắn phải lên thăm một ngày gần đây.

Viện Pasteur Hà Nội là nơi các vị giáo sư của thế kỷ trước đã dạy dỗ dìu dắt mình. Bóng dáng các giáo sư nhỏ bé trong hành lang cao mà dài hun hút của tòa nhà cổ nay là Viện Vệ sinh dịch tễ học Trung ương còn thấp thoáng đâu đây.  Lòng se sắt nghĩ về các thầy giáo già tài giỏi mà ta không chỉ học thầy về kiến thức, nay đã và đang lần lượt đi gặp các vị tiền bối. Hai vị giáo sư cây đa cây đề mà trong mắt mình một vị hết mực phong lưu, một vị hết sức tuấn kiệt. Nay một thầy đã ra đi, người còn ở lại trong chiếc xe lăn nhớ về thời vang bóng. Mình thương quí rất nhiều cả hai vị thầy này mà mình biết không bao có thể gặp được các vị thầy như thế nữa. Những cây long não cổ thụ trước sân viện cũng đã lần lượt khuất bóng. Ngày thầy mình còn, thi thoảng ngày nghỉ cuối tuần thầy dắt cháu nội đi dạo ở đây. Thầy ngồi xe lăn thì trồng hai cây long não mới trong vườn nhà nghỉ của gia đình ở Tuần Châu. Lần đi thăm với chị con dâu thầy, từ khu đất ấy nhìn xuống biển Quảng Ninh, thấy một cánh đại bàng biển vút trên bầu trời mênh mông, như nhìn thấy bóng dáng ngày qua ...?
Bóng ngày qua
Cái vườn cây xà cừ cổ thụ phía sau viện có mấy dãy nhà thấp thời tây vẫn còn nuôi động vật thí nghiệm. Mùa đông năm ấy mình ra Hà Nội tập huấn cho viện bại liệt, không ở khách sạn mà ở nhà khách của viện. Đêm, những con chim cú mèo đậu im phăng phắc trên cây rồi bỗng xà xuống mặt đất trong ánh sáng chấp chới của đêm khuya lạnh. Cô bạn phóng viên còn độc thân đến ở với mình mỗi khi mình ra công tác, sau khi chợp mắt một chút đã tỉnh dậy viết bài lúc 2 giờ sáng làm mình cũng thức giấc luôn. Chẳng biết làm gì, mở của bước ra sân thượng toà nhà Viện vắc xin bại liệt nhìn xuống khu vườn đêm ấy. Hít hơi lạnh, lắng nghe tiếng đêm, thi thoảng tiếng gió xào xạc. Nay khu vườn ấy chẳng còn nữa. Vị giáo sư của Viện bại liệt, người hết mực đánh giá cao mình về hưu đã lâu nay yếu lắm rồi. Cái tên phố Lò Đúc là địa chỉ của Viện quen thuộc với mình từ đấy.

Nhưng (lúc nào cũng nhưng) nghĩ về các thầy mình ai cũng đưa em, đưa con lên, nếu ko có thì con rể, con dâu... thay ghế viện trưởng, viện phó khi về hưu như cả nước Việt Nam đều vậy thì mình rất bất bình và rất phản đối. Ngay cả bây giờ mình đang thấy kế hoạch "nối ngôi" đang rõ ràng ở viện, nếu mình không nhầm, xã hội vẫn vậy thì mình đã thấy một kịch bản đã bắt đầu. Mình không tin kịch bản này sẽ thành công vì nhân tố quyết định không phải là có tài, xã hội ta mãi lạc hậu, ấu trĩ như bây giờ, chắc chắn phải và sẽ thay đổi sớm thôi, nó xảy ra ngoài cái tính toán cá nhân và dự liệu của đa số người. Còn rất nhiều điều ta chỉ mơ hồ mà chưa và còn rất lâu mới hiểu được chút gì đó. (Vui)

Mình nghĩ cả cái bộ máy cửa quyền hiện nay và chính sách lương thấp một cách xấu hổ cũng là tác phẩm của thế hệ các thầy trên mọi lĩnh vực. Chính bộ máy điều hành này đã giết chết bao ý tưởng tài giỏi, vô hiệu hoá những con người làm khoa học kỹ thuật ngay thẳng, trong sạch trong bộ máy nhà nước và thực sự là "phản động" - đi ngược lại sự vận động phát triển đúng đắn của một xã hội có tổ chức cao hướng đến phúc lợi nhân dân và văn minh xã hội. Các cơ quan nhà nước là lập ra phục vụ cho toàn thể công dân, là nơi những tư duy thông minh, có ích cho người dân, cho Tổ Quốc cần được bảo vệ, và phát triển một cách đường hoàng trong danh dự, không cần phải xin cho. Các danh hiệu nếu có là những vinh dự của mỗi con người đều cảm thấy tự hào với lòng tự trọng cao nhất.

Là bác sĩ, thực sự mình chẳng thấy danh hiệu thầy thuốc nhân dân hay thầy thuốc ưu tú hiện nay có ý nghĩa gì, Mình biết rõ có những kẻ (bác sĩ) giết người vì cả kém chuyên môn lẫn thành tích, cả hạng BS vô tích sự sở hữu nó chẳng kho khăn! Lạ là danh hiệu ấy lại suốt đời mà không phải là hàng năm. Có ai nắm tay suốt từ sáng đến tối?


Thất vọng lớn lao và mình thấy các thầy mình rất tốt với mình nhưng đã góp phần vào việc có lỗi với đất nước, nhân dân Việt Nam.

Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh là quãng thời gian lâu nhất làm việc cho đến nay.
Thuộc lòng từng gốc cây già, từng mùa hoa điệp nở rụng vàng hay những cánh phượng đỏ rực xao xuyến hè về. Hai vạt cỏ xanh rờn trong sân Viện có đàn sáo sậu và chim cu cườm luôn ở đó. Thi thoảng có cặp họa mi đến ở cùng, nhưng chưa được nghe chúng hót bao giờ. Cũng đôi khi có một gia đình loài chim lạ rất đẹp đến khuôn viên Viện, chúng không ở lâu rồi cất cánh bay đi.

Xao xác nhất là tiếng quạ kêu thi thoảng vào mùa thu. Mỗi năm có khoảng 2 cặp quạ bay về đậu trên hàng cây to bên ngoài tường dọc đường Pasteur trước viện. Không biết mọi người có giống mình không, nghe tiếng quạ kêu nhớ đến những ngày đông rét mướt ở châu Âu học hành mong có được chút kiến thức về đóng góp cho dân mình. Một vài viện ở châu Âu khi mình đến học, trên cửa kính thấy họ dán những con quạ đen đang chao lượn. Nhìn những con quạ lặn lội trên đồng cỏ phủ tuyết kiếm ăn thật vất vả, nghĩ đến cánh cò ở Việt Nam, từ ấy có cảm tình với loài quạ, chắc chả giống ai. Thì mình vốn vậy rồi.

Có lần sáng đến viện sớm, đang đi bộ bỗng nghe tiếng qua kêu nhao nhác trên cây cao vọng xuống. Tim đập bồi hồi, bỗng như thấy những ngọn cây như đang chuyển vàng, mùi táo chín, đào chín thoang thoảng đâu đây. Rồi thoáng bừng tỉnh: Không phải, nơi đây chỉ có tiếng quạ kêu, là của một mùa thu nhiệt đới...

(Ừ đúng rồi, Nhật Huy nhắc dì mới nhớ cái kỷ niệm khó quên lần tổng thống G.W. Bush sang hội nghị APEC ghé thăm viện Pasteur tp. HHCM vào đúng ngày 20 tháng 11 năm 2006 và được chính tổng thống mời chụp ghé, sau đó đã có bức ảnh và danh thiếp phủ tổng thống từ Lãnh sự quán Mỹ gửi.


Thiệp chúc của tổng thống gửi kèm hình

Khoe luôn đây, nhưng dì chỉ để size bé thôi, cảm ơn nhắc, Nhật Huy xem lại nhé :D )

Khác với những lần năm tròn kỷ niệm ngày thành lập Viện Pasteur tp. Hồ Chí Minh, trong lòng nay đã bình yên và hiểu rằng mình được đi đến đâu ở kiếp này trên con đường vô tận của Pasteur và các vị tiền hiền.
Chân bước thanh thản giữa ngày hội tri ân, nhìn những mái tóc phai màu theo thời gian, trong ấy có bao nhiêu người chẳng hề tham lam trong cuộc đời. Mắt lướt trên những kẻ mà nay đã hiểu rõ họ là ai, lòng mơ hồ xa sôi. Ngắm những khuôn mặt đồng nghiệp chân tình, niềm vui dâng nhè nhẹ...

Hôm nay dưới chân tượng đồng của hai nhà bác học có những chậu hoa bướm màu vàng chanh và vàng cam tươi vui khoe sắc dịu dàng. Những cây hoa mai của miền Nam chỉ dành cho độ tết về chẳng cần nhặt lá mà nở hoa hàng loạt trong viện. Chiều hôm trước ngắm cây mai trước cửa phòng thí nghiệm mình than thở: Hoa nở hết thế này thì tết còn đâu nữa. Rồi chợt hiểu: Thiêng thật, cây ra hoa hoan hỉ đón mừng ngày trọng đại viện Pasteur Sài Gòn 120 năm. Mình hài lòng.

Ngắm hết cả khuôn viên viện như muốn khắc lại hình ảnh "120 năm".

Cơn mưa chiều Sài Gòn lặng lẽ rơi, nơi mới buổi sáng chan hoà ánh nắng trong lành vui tươi là thế.
Ngày lễ đã xong, toàn khuôn viên viện Pasteur trở lại vẻ u tịch như thường ngày. Có lẽ có phần hơi buồn vì cơn mưa giăng mờ.
Mình cầm cái ô, cái máy ảnh đi dạo quanh viện, dựng lại lẵng hoa bị đổ trong cơn mưa. Thầm thì với đất, với cây, với những tòa nhà cổ kính tôn nghiêm, nói với những phòng thí nghiệm mới xây và mới được trùng tu những lời tri ân, lòng yêu mến và gắn bó thiết tha với "chính nghiệp" suốt cả một đời rằng mình đã có cống hiến dù rất nhỏ nhoi cho mọi người.


Tượng Calmet, người sáng lập viện Pasteur sài Gòn

Cuối chiều ngày lễ, Viện Pasteur lại trở về với vẻ cô tịch như luôn vậy

Sáo sậu và cu cườm tắm mưa

3 nhận xét:

  1. Hì mình cứ nghĩ HN ở HN chứ. Vậy là bs làm việc ở SG. THấy HN happy với công việc là vui rồi.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn Lối Thu xưa. Thực sự thì mình chả làm gì với cái vốn học chuyên sâu của mình, phí lắm.

    Trả lờiXóa
  3. Thế mà cũng sắp kỷ niệm 10 năm chụp với TT Bush.

    Trả lờiXóa