Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Bức tranh ở nhà bà ngoại


Nhà bà ngoại nằm ở ven đường của một thị trấn nhỏ.

Cả cái phố tên là phố Chợ Đồn ấy chỉ là mấy gian chợ nhỏ nền gạch mái ngói bé tẻo teo với một cửa hàng cũng heo hắt như thế. Là phố nên có một  con phố  nhỏ dọc bên đường  khoảng nửa cây số những căn nhà nhỏ liêu xiêu liền kề mái tranh pha mái ngói. Nhà phố có quán bán nước chè xanh, bánh đa, kẹo lạc... có tiệm sửa đồng hồ, có tiệm bán đồ khô...  Chợ Đồn họp phiên vào những ngày lẻ trong tuần: thứ ba thứ năm và thứ bảy. Chợ phiên thật vui, nhiều hàng bán lạ lùng của sản vật miền núi và hàng quà ngon lành bởi những món quà quê vô cùng thuần khiết, khéo léo. Nhìn những bánh gai, chè kê, xôi đỗ mà thèm nhỏ dãi. Những quả tai chua rất đẹp mà chỉ để cắt mỏng phơi khô nấu canh chua hay cho vào nước rau muống luộc. Sản vật miền núi thật nhiều mà rẻ : Mọc nhĩ, nấm hương, cây thuốc, mấy con gà, mấy con lợn con đen trũi trong cái rọ tre. 

Được về nhà bà ngoại thật thích. Bà ngoại có dáng người mảnh dẻ, khuôn mặt thanh tú và cao quí. Bà quê ở Hải Dương, lấy chồng về Bắc Ninh. Bà lúc nào cũng chỉ mặc quần sa-tanh đen, áo phin nõn trắng bên trong là cái iếm trắng. Bà lúc nào cũng vấn khăn nhung đen, đeo đôi chằm sáng rực. Ngày nhỏ chẳng biết kim cương là gì chỉ thấy đôi chằm bà ngoại đeo lúc nào cũng sáng lung linh. Bà có một cái lược sừng cán nhọn để rẽ tóc hình chữ Z khi vấn khăn. Nhà bà có cái thau đồng đúc nổi mấy bông hoa xung quanh  vành thau bà chỉ dùng để rửa mặt và gội đầu thường được úp ngay ngắn trên một giá gỗ bên giếng. Sau nhà bà, có một cái giếng, một cây chanh, một cây hoa đào và một vườn chuối tiêu. Khoảng sân gạch nhỏ sau nhà bà thường yên ắng. Bà ngoại sống với chị An đang học phổ thông, chị là con già Bắc, chị của mẹ. Già Bắc mất sớm vì sốt xuất huyết, bố chị An lấy vợ khác. Hai bà cháu sống nhờ vào quán nước, vậy mà bà năm nào cũng đi hàng trăm cây số về thăm mẹ và cháu ngoại với bao nhiều là quà. Nhớ nhất là những chiếc khăn quàng vuông dành cho mùa đông bà cho. Mẹ gọi ông bà ngoại là u và thầy. 

Năm ấy mẹ cho theo bà ngược lên Thái Nguyên chơi vào dịp hè. Ba gian nhà ngói nhỏ của bà dọc phố được chia làm 3 phòng, gian thứ nhất là quán nước của bà cũng là nhà bếp, gian giữa có bàn thờ và gường, bàn học của chị An, gian buồng ngủ của bà. Toàn bộ tài sản của bà ở gian giữa nơi đặt bàn thờ. Trên bàn thờ có bát nhang, đôi bình sứ cổ, đôi voi sứ cổ Trung Hoa và một ống đựng nhang có hai hình tò he như là thiên sứ nhà Trời. Bên trái là cái đồng hồ quả lắc cổ của Pháp, có cái chìa khóa đồng dài để lên dây cót hàng ngày, cứ 1 giờ tiếng chuông lại thong thả ngân nga, tiếng chuông nghe thanh thoát, xa vắng. Bên phải bàn thờ bà ngoại dán bức tranh Trung quốc không biết từ khi nào đã ngả màu ố vàng nhưng vẫn đẹp lắm. Bức tranh vẽ cảnh trên trời, mây trắng bồng bềnh, phía xa xa có hình mái cong lâu đài hồng tía, một cô gái, một chàng trai và hai đứa trẻ đứng trên đàn quạ đen đang tiến lại gần nhau, không ai có vẻ mặt vui cười dù tất cả đều rất xinh đẹp. Sau này biết đó là bức tranh Ngưu Lang Chức Nữ. 



Bà ngoại tính tình nghiêm nghị, giọng nói của bà rất oai nghiêm. Con cháu ai cũng sợ oai bà. 

Ngày ngày phụ bà ngoại bán nước và quà vặt, đôi khi cũng có lấy trộm một vài viên kẹo lạc hay kẹo bột. Thỉnh thoảng vào trong làng đến nhà ông làm kẹo mua về bán lại, bà dặn đi cẩn thận không có cán bộ thuế họ bắt được. Cứ chợ phiên lại ngồi quạt bánh đa giúp bà. Có hôm chợ đông bán được rất nhiều bánh đa. 


Có lần bà nấu chè kê ăn thật ngon, cho đến bây giờ cũng chưa được ăn lại lần nào ngon thế. Thỉnh thoảng bà mua dưa hấu ăn, nhớ hai con bồ câu gù gù bên cạnh nhặt hạt dưa. Bà còn dắt đi chơi nhà người quen, lần đầu được biết hoa phù dung trong vườn đẹp đến thế. Bà cũng lên chùa lễ Phật rồi mang oản và chuối về. Lần đầu tiên biết oản là xôi nén lại có hình như cái cốc uống nước, vậy mà nghe chữ "oản"cứ sờ sợ.  Cả chuối và oản gói trong lá chuối tươi bà đều để ở cái đãy mây xinh xinh mang về. 
Bà ngoại đông con, ông ngoại mất khi bà mới 35 tuổi thời còn Tây, lúc ấy cậu út còn trong bụng. Thời 45-54, Thái Nguyên là "vùng giải phóng"; Bắc Ninh là "vùng tạm chiếm". Ông mất, bà gánh gồng con tản cư lên Thái Nguyên. Câu chuyện nhà ông ngoại  dài lắm, một truyện cổ tích  - lịch sử của một Thành Hoàng làng vùng Bắc Giang nhưng bi tráng, có cả bóng dáng cụ Đề Thám, rồi thật u buồn vào những năm sau này, thời con và cháu của ông bà ngoại. Đáng buồn là các bác và cậu vẫn chưa đổi lại họ gốc của mình như trước năm 54. Cậu Lạng, liệt sĩ ở Quảng Trị năm 68 vẫn chưa được đưa về gần bà. 

Bà ngoại làm nhiều thơ lắm, hẳn một tập dày nhưng chẳng cho ai xem. Thỉnh thoảng bà nằm võng đu đưa, đang yên lặng, bỗng ngân lên  mấy câu Kiều, giọng bà vừa sang sảng, vừa não nùng trong không gian tĩnh lặng. Bà vẫn lảy Kiều những lúc vắng khách, ngày không có chợ phiên. 


Tối, thị trấn bé nhỏ miền núi vắng như tờ, mới nhá nhem mà trời tối đã như sập xuống. Bên cây đèn dầu, đốm nhang nhỏ leo lét mỗi đêm trên bát nhang. Thấp thoáng hai ông thánh tò he mờ tỏ theo ánh đèn dầu. Ngưu Lang Chức Nữ và hai người con vẫn đưa tay với về nhau mà chưa gặp. Nằm trong mùng, tiếng tích tắc đều đều vọng trong đêm, thỉnh thoảng nghe tiếng bà trở mình, lát sau nghe tiếng chuông  đồng hồ quả lắc thong thả buông từng tiếng.


 Năm ấy lại đi học ở Hà Nội, một buổi trưa mùa đông đi ăn cơm bụi, quán cơm bình dân ven đường có mấy cụ bà mặc áo nhung, khăn quàng nhung choàng trên vành khăn cũng bằng nhung màu đen cũng ghé ăn. Các cụ bà hỏi thăm nhau về khăn nhung của cụ đẹp quá. Nhìn các cụ bà, nghĩ liên miên quên cả ăn, một bà phải nhắc cháu ăn đi không nguội lạnh hết rồi. Cắm cúi ăn nhớ đến bà ngoại, nghĩ giá bà ngoại còn mình sẽ mua biếu bà khăn nhung khăn vấn đẹp nhất. Chẳng biết đã ăn bao lâu, bỗng chợt tỉnh vì mọi thức ăn của mình đã hết và đang gắp sang cả đĩa của bà cụ. 


Về đến Hà Nội, ngồi trầm ngâm trong phòng. Mưa! Gió giật từng hồi. Cơn bão đã đến.
Từ lần 8 tuổi được về thăm nhà bà ngoại ấy cho đến 30 năm sau trở về thăm bà bên ngôi mộ nhỏ đơn sơ không xa nhà bà bao nhiêu. Trước khi mất, bà đã đốt tập thơ của bà, cả cuộn thiết kế nhà mà ông ngoại mang từ Tây về đã ước muốn xây khi còn sống. Hôm ấy Hà Nội báo có bão, được một vị giáo sư cho mượn xe và tài xế thế là lên đường. Giữa đường, một đoạn đường đang thi công lại, các anh công nhân xúm lại đẩy giúp xe. Lên đến nơi thắp hương xong, ghé nhà bà một lát. Bà đi rồi, ngôi nhà đã không còn Ngưu Lang Chức Nữ, không cả hai ông thánh tò he, đôi lục bình cổ đã bán, đôi voi cổ bị mất trộm, cái đồng hồ đã đứng yên từ lâu.


Về đến Hà Nội, ngồi trầm ngâm trong phòng. Mưa! Gió giật từng hồi. Cơn bão đã đến.

 
Chả hiểu sao bức tranh cứ ám ảnh suốt đến giờ. Nay mới hiểu sao bà ngoại chỉ treo bức tranh ấy. 

Có mấy ai trong đời chưa từng là Ngưu Lang hay Chức Nữ? 


Một ngày kia ở nước ngoài, nằm mơ thấy gặp bà ngoại. Vẫn dáng dấp thanh tú ngày nào, bà vận áo cánh trắng, iếm trắng vấn vành khăn nhung đen. Bà ngoại đang cười vui để lộ hàm răng hạt na ăn trầu... 

Bà ngoại!
 


----------------
 05/12/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét