Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Lại gặp cô ta


Một góc nhỏ ở tp. Hồ Chí Minh ngày 27-7-2011

Lần í mình gặp cô ta trong vai một phụ nữ nội trợ rách việc, ham vui, xuề xòa.
Mình cũng chả nghĩ gì, cô ta bảo: Em ham vui trốn chồng ra đây, nhà em ở quận 10. Mình bảo, đây là đi biểu tình chống Trung quốc, đi là đi biểu tình chứ không phải ham vui. Cô ta không nói gì chỉ cười cười. Trông cô ta cũng mộc mạc, béo béo, dễ dãi... Đến lúc mình bảo: Thôi mình khoác tay nhau lại để khỏi bị chia rẽ, cô ta nói: Em theo chị, chị lớn nhất làm xếp. Mình khoác tay cô ta: Ừ mình nhiều tuổi nhất thì phải chịu trách nhiệm.
Cho đến lúc thấy cô ta và đồng nghiệp trao đổi cái đụng tay thì mình biết cô ta là ai rồi, chả sao. Mình còn mấy cậu em và bạn an ninh đang quanh đây.
Công bằng mà nói mình cũng chả định kiến gì giới an ninh vì mình có vài bạn làm trong ngành này. Còn có một cậu bạn thân nữa. Đa số công việc của các bạn ấy cũng khó. Cho đến hôm gặp cô ta và các sự kiện xảy ra với mình hôm sài Gòn 12 tháng 6 2011. Một người bạn thân nói với mình rằng: Khi vào việc, họ luôn ở thế bề trên, chỉ có họ có quyền chủ động, quyền phán xét. Họ muốn thấy đối phương phải khuất phục họ. Họ quên trước mặt họ cũng là người bình thường. Tệ hơn là sự thỏa mãn cái được quyền hành hạ người khác mà không sợ bị chống cự hay kiện tụng.
Và cái hôm ở Đa Kao ấy mình nhận ra mình đã hiểu cậu ấy nói gì.
Sau cú đạp Chí Đức 24-7 ở Hà Nội, mình lần lượt gọi cho bạn bên an ninh nói rõ sự uất ức và quan điểm của mình với họ. Cay đắng.
Hôm nay, vừa làm lễ tri ân 27/7 Thương binh liệt sĩ xong, bước ra cổng thì gặp cô ta ở 43 Nguyễn Thông. Mình như bị dị ứng ngay lập tức vì nghĩ bị cô ta lợi dụng, bị vu cáo và vì cô ta mà  mình đã bị xúc phạm. Mấy cái điện thoại đồng nghiệp cô ta chĩa vào mình. Mình nói: Khỏi chụp nữa, hình nghiêng hình thẳng đều có ở Đa Kao rồi, hồ sơ đã đầy đủ. Cô ta còn chối, mình nói làm an ninh mà không phân biệt được người ngay và người gian. Mình nhìn xếp cô ây và nói: Càng làm sai thì chỉ làm cho người ta càng quyết tâm.
Có lẽ vì ở khu vực công giáo nhạy cảm nên họ đành để yên.
Trên đường về chợt nhớ lại anh Cá Gỗ ở Khu tự trị Quê Choa FC bảo đi về mà tưới khoai cho ướt lá! Về ngay!

Cứ nghĩ hôm ấy mình trào nước mắt vì cảm giác bị xúc phạm mà không làm gì được. Cái cách nói nghẹn ngào đứt quãng hôm nay của cô con gái Nguyễn Duy Chinh, Nguyễn Phương Tùng khi phát biểu trong lễ tưởng niệm Liệt sĩ  lại làm mình nhớ lại và thổn thức.
Mình ăn uống sinh hoạt đơn giản gần như chỉ là tối thiểu. Nhu cầu được tự do cảm xúc, được sống trong một môi trường rõ ràng, công bằng về tinh thần, năng lực... là lớn đến mức mà cái hiện có là số không, thậm chí là âm nữa.
Mình có hỏi bạn mình: Bao giờ cho đến tết Công Gô?


Chị Thu Cúc ( áo hoa tím), Câu lạc bộ Nhà báo Kháng chiến SG, cựu học sinh sinh viên biểu tình 1968 bị bắt và bị đánh đập gãy ngón tay bàn tay trái của chị bị tật vĩnh viễn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét