Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

Gia Lai và cây xà nu

Nguyên Ngọc. 14-8-2011.
Hình: Nguyễn Xuân Diện




Lần này là lần đầu tiên được đến Gia Lai. Cuối tháng 5 dương lịch, bầu trời từ An Khê lên đến thành phố Gia Lai lúc nào cũng nhiều mây. Chỉ biết một vài địa danh Gia Lai, nhớ một ít về đèo An Khê, nhớ nhiều về anh hùng Núp và tưởng tượng về hình ảnh Già Làng qua "Đất nước đứng lên" của nhà văn Nguyên Ngọc. Lên đến Gia Lai, chiều nào cũng mưa. Được lên Tây Nguyên trong lòng rất mãn nguyện.


Suốt chặng đường đi, trong lòng cứ bần thần, chẳng rõ vui buồn ra làm sao. Phần thì nghĩ về nhà văn Nguyên Ngọc và "Đất nước đứng lên", phần thì nhìn, muốn thu lại hình ảnh một phần Tây Nguyên của ông trong ký ức, phần thì nghĩ về muôn nẻo sự đời...

Tượng đài người con Tây Nguyên: Anh hùng Núp
Từ Bình Định lên Gia Lai, bắt đầu lên một quãng đường đèo dốc thấy có tấm biển xanh ghi đèo An Khê. Nhớ đây là nơi Nguyên Ngọc tạc nên phù điêu văn học hùng tráng hình ảnh Già Làng và anh hùng Núp. Tất cả chỉ là câu truyện qua sách vở, rồi hiện lên thấp thoáng bóng nhà văn người Quảng Nam nhỏ thó, vầng trán cao, trầm tư qua các bài viết đau đáu về các sự kiện xã hội, môi trường... sau này. Buồn!
  Còn "Rừng xà nu" ở đâu?
Từ huyện An khê đi lên, nhìn mãi chả thấy rừng đâu, thấy một vài đồi thông thoai thỏai, cây cỡ chừng một vòng ôm khoảng trên dưới hai chục năm tuổi. Rừng thông xanh lúc nào cũng mang lại cảm giác đẹp đẽ, lãng mạn.

Đất ba-zan Gia Lai không đỏ như Đắc Lắc mà màu từa tựa bã cà phê. Vào mùa mưa nên bát ngát vùng đất đồi trùng điệp sạch trụi cây lớn được phủ màu xanh của những bụi cây thấp không rõ là cây gì. Có bụi thành hàng, mà cũng có chỗ thì như cây dại. Xe cứ thế chạy mải miết. Bầu trời nằng nặng mây xám mùa mưa. Vùng cao nguyên đã hoàn toàn trụi rừng hút tầm mắt này vào mùa khô thì hơi nước sẽ bốc rất nhanh và đất sẽ mau chóng khô cháy. Chiếc máy ảnh nằm yên trong lòng vì không bắt gặp cảnh núi rừng thâm u, chỉ toàn sườn đồi bụi cây thấp nối tiếp. Ngày xưa hẳn sẽ ngồi ngủ gật, giờ thì nghĩ về mưa nguồn, nước trôi nhanh mà chẳng kịp thấm sâu xuống đất. Mấy ngày qua đài báo đưa tin nông dân  An Khê vừa trải qua hạn vì dòng sông Côn bị chặn nước đầu nguồn cho thủy điện, nay hoa màu mới trồng, bắp đang vẫy cờ lại trôi sạch vì thủy điện xả lũ...

Gần đến Gia Lai, con đường 19 đẹp hiếm có bởi vạt thông hai bên đường, mỗi bên rộng chừng chục mét, có lúc cả một khu đồi rộng thông xanh rì. Chẳng biết hỏi ai thông trên Gia Lai là cây bản xứ hay Tây mang giống sang trồng ở các đồn điền, hợp thung thổ nên mọc tốt tươi. Thông hai bên đường không to lắm, nhưng xanh sẫm hơn, đẹp hơn thông Đà Lạt.
Nhà thơ Văn Công Hùng nói rằng khi anh mới đến ở Gia Lai năm 1982 anh thấy những rừng thông già tới hai người ôm, khỉ vượn chuyền cành, chim chóc hót vang rừng, nghe cứ như chuyện thần thoại.

Những cung đường có thông xanh làm cho Gia Lai hấp dẫn hẳn lên, tiếc là chẳng nhiều. Văn Công Hùng cũng cho biết các triền núi sâu vào Trường Sơn, thông non được trồng nhiều hơn. Biết làm sao được, đất đai gần đường giao thông thuận tiện hơn thì cần phục vụ cuộc sống hàng ngày dành cho chè, cà phê, tiêu...

Thì ra, rừng Xà Nu chính là rừng thông, Văn Công Hùng đã hỏi nhà văn Nguyên Ngọc cái xuất sứ của cây Xà Nu ấy.

Mùa này chỉ lác đác vài bông hoa dã quì nở, tuy nhiên nhìn dã quì phủ suốt hai bên đường 15 lên Gia Lai có thể biết vào mùa hoa sẽ rực rỡ nhường nào.
Đến Gia lai, nói thật chỉ muốn được gặp anh hùng Núp, chỉ muốn được thăm buôn làng của nhà văn Nguyên Ngọc, nhưng chẳng có thông tin gì, cũng chẳng biết phải làm thế nào, tìm đi tìm lại. Cuối cùng nghĩ rằng: Đâu phải chuyện cổ tích. Làm gì có sau 36 năm hòa bình, nay Tây Nguyên buôn làng tươi đẹp, nhà sàn mọc lên bên nhà Rông, lúa bắp đầy bếp, rượu cần đầy ché, trâu bò đầy đàn, trường học vang tiếng cười đùa của bầy trẻ đầu tóc cháy nắng quăn tít, da ngăm, má bầu bĩnh, mắt đen tròn láy ánh cười vui... Đấy là nằm mơ.

Vào đến Gia Lai, thấy cây trụ điêu khắc cao vút trong vòng xoay cửa ngõ Gia Lai hiểu rằng thành phố bắt đầu từ đây. Không hiểu những họa tiết trên trụ ấy có phải là nghệ thuật truyền thống của người Gia Lai không?

Loanh quanh chẳng biết đi đâu, chạy đến thăm Biển Hồ, không có gì ấn tượng. Biết rằng có 2 điểm mới xây dựng ở Gia Lai là công viên Đồng Xanh và thác Yaly nhưng vốn không thích những gì mới tô vẽ sau này nên chẳng ghé. Rốt cuộc chạy tiếp đi Đăc lắc.

Trên đường đi mình có thấy một tấm biển xanh xa xa "BUÔN VĂN HÓA" và không khỏi cười buồn. Dọc đường mình thấy người bản địa Tây Nguyên đi làm, đi học. Cả người lớn và trẻ em đen đủi, gầy gò, nhỏ bé và vất vả. Ngẫu nhiên gặp một trường học ven đường, lúc tan trường. Hầu hết các em là người dân tộc, trường mang tên anh hùng Núp, huyện Chư Pưh.

Những đồn điền cao su Gia Lai rất nhiều và trải rộng mênh mông. Mình biết nó của ai, ai đổ mồ hôi, ai vỡ đất, ai trồng tỉa, ai làm cỏ, ai cạo mủ cao su... chỉ đủ sống đắp đổi qua ngày.  Còn lại ai hưởng lợi ngất ngưởng từ mồ hôi, nước mắt, tinh túy màu mỡ của Tây Nguyên. Mình dừng xe, xuống giữa vườn cao su đứng nhìn, từng cái bát hứng từng giọt nhựa chảy xuống, giọt sữa Tây Nguyên trắng hơn, đặc hơn những giọt sữa mẹ nuôi con...

Cuối chiều, mưa bắt đầu dày hạt ào ạt, trời tối sầm.
Mong những giọt mưa đừng chảy thành dòng trên mặt đất, mong mưa lâu nhưng hạt mưa rơi xin vừa đủ cho đất Tây Nguyên kịp thấm, thấm dần, thấm sâu xuống lòng đất dành nước cho mùa khô tới.
Tây Nguyên chẳng còn rừng mà che nắng giữ mưa cho người Tây Nguyên ta đâu. Chỉ có mưa mới giúp cho những vạt thông non mới trồng sâu trong núi lớn lên, vững trãi ra hoa, kết hạt để hạt bay theo gió bốn phương gieo lại rừng Xà Nu cho con cháu anh hùng Núp, con cháu Già Làng, cho Tây Nguyên, cho bầy khỉ lại chuyền cành, chim lại hót vang rừng mỗi sớm ban mai. Không thể chặt mãi, phá mãi Xà Nu của đất trời Tây Nguyên sinh ra.
Mưa ơi, hãy "mưa lâu thấm đất" Gia Lai. Mưa cho Xà Nu lại thành rừng như ngày xưa của Đam San, Đam bri và Xinh Nhã...


Trường trung học Anh hùng Núp
Rừng xà nu





Biển Hồ, Gia Lai

Dã quì

1 nhận xét:

  1. Hoàng Đồng Hớilúc 08:46 4 tháng 12, 2013

    Những cảm nhận rất chân thật về một miền đất hoang tàn cao nguyên Gia Lai. Cảm ơn bạn nhiều.

    Trả lờiXóa